MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Muốn thu nhập tăng bằng lần, đọc ngay mẹo quản lý tài chính thông minh sau

Đức Mạnh LDO | 18/03/2022 20:00
"Để tăng thu nhập, một người phải tăng giá trị sức lao động. Cụ thể là cần làm việc nhiều hơn hoặc tăng giá trị từ việc mình làm. Còn muốn tăng thu nhập từ đầu tư, bạn phải thực sự có kiến thức về hoạt động này", TS Hoàng Thị Bảo Thoa, cố vấn chương trình Tài chính thông minh nhấn mạnh.

Trong số 6 của chương trình Tài chính thông minh, TS Hoàng Thị Bảo Thoa - Giảng viên viện Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra mô hình Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki. Theo đó, có 4 nhóm công việc như sau:

Một là làm công ăn lương.

Hai là tự làm. Ví dụ như tự làm bánh bán, tự mở quán cafe, kinh doanh online...

Ba là làm chủ. Người này tự khởi nghiệp một hoạt động kinh doanh nào đó và thuê người làm cho mình. 

Bốn là đầu tư. Có nhiều kênh để sinh lời như góp vốn kinh doanh, đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng hay đơn giản là gửi tiết kiệm.

Theo chuyên gia tài chính cá nhân, nếu thu nhập của bạn đến từ làm công ăn lương hoặc tự làm thì thực chất bạn đang bán thời gian của mình để lấy thu nhập. Tiền lương của bạn chính là thước đo giá trị mà người khác gán cho.

"Để tăng thu nhập, một người phải tăng giá trị sức lao động. Cụ thể là cần làm việc nhiều hơn hoặc tăng giá trị từ việc mình làm. Còn muốn tăng thu nhập từ đầu tư, bạn phải thực sự có kiến thức về hoạt động này", bà Thoa đưa ra lời khuyên.

Như vậy, dù thu nhập của bạn đến từ nguồn nào thì để tăng tiền lương đều cần thường xuyên trau dồi kiến thức để trở thành phiên bản giỏi nhất của chính mình.

TS Hoàng Thị Bảo Thoa - Giảng viên viện Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về những kỹ năng quản lý tài chính thông minh.

Với các bạn trẻ muốn có thu nhập tốt nhất, chuyên gia đưa ra lời khuyên quản lý tài chính thông minh sau.

Thứ nhất, đừng quên dành ra một khoản để học tập nâng cao trình độ. Việc học tập thường xuyên sẽ giúp bạn cập nhật những diễn biến mới nhất xung quanh và trở thành người có giá trị hơn.

Thứ hai, bạn phải tự chủ về tài chính và có khoản dự phòng sớm nhất có thể. Theo các chuyên gia tài chính cá nhân, khoản dự phòng này cần bằng ít nhất 6 tháng thu nhập.

Ví dụ khi còn học Đại học, một người tiết kiệm đủ để đến khi ra trường có một khoản dự phòng khẩn cấp. Khi đó bạn sẽ không phải chịu áp lực về tiền bạc khiến việc chọn việc làm bị vội vàng và hạn chế.

Vị chuyên ra cho rằng áp lực phải có công việc ngay thường đến từ cha mẹ, người thân hoặc chính bản thân người đó. Lúc này bạn sẽ vội soạn vài bộ hồ sơ xin việc và rải khắp nơi. Nơi nào nhận trước thì đi làm trước. Khi đó không phải bạn chọn việc mà việc chọn bạn.

"Hãy tự chủ về tiền bạc và học cách quản lý tài chính thông minh. Bạn sẽ có thể chủ động lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình mà không thấy hối hận", TS Hoàng Thị Bảo Thoa nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn