MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FDI có xu hướng tăng trở lại. Ảnh: Hải Nguyễn

Muốn tối ưu vốn ngoại thì cần tăng nội lực

Hiếu Anh LDO | 15/08/2023 13:56

Nếu như trước đây, Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng nguồn nhân lực giá rẻ thì hiện nay chúng ta đang thay đổi về "chất" trong thu hút vốn FDI.

"Hữu xạ tự nhiên hương"

Trao đổi với Báo Lao Động, Tiến sĩ Tạ Đình Hòa - Giảng viên Học viện Tài chính - chia sẻ, trước đây để thu hút nguồn vốn FDI, chúng ta tiến hành mở cửa thị trường với nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là nguồn nhân lực giá rẻ.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, Việt Nam đã thay đổi tư duy. Sự phát triển của giáo dục và đào tạo đã tạo ra nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước từ khoa học kỹ thuật, quản lý tài chính… Đây là nền tảng bền vững để Việt Nam tạo ra một nội lực đủ mạnh, đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiến sĩ Tạ Đình Hòa nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay việc thu hút vốn FDI không nên chỉ nhìn vào con số cơ học là tổng số vốn đầu tư bao nhiêu, có bao nhiêu dự án được cấp mới, mà cần nhìn vào chất. Cụ thể, dự án được đầu tư vào lĩnh vực nào, những dự án này đem đến sự thay đổi về công nghệ, khoa học cho Việt Nam ra sao, đảm bảo môi trường như thế nào...

Theo Tiến sĩ Hòa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm thì con số FDI vào Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều quan trọng, những đối tác lớn vẫn tiếp tục gắn bó với Việt Nam, những lĩnh vực hiện đại như công nghệ mới, năng lượng tái tạo… được đầu tư giai đoạn này sẽ tạo ra giá trị bền vững.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư) nhận định, hiện nay, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Theo Kết quả khảo sát năm 2022 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN; Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; 56,5% doanh nghiệp sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất…

Còn theo khảo sát tháng 1.2023 về môi trường kinh doanh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam được đánh giá thuộc Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.

FDI dần khởi sắc

Đáng lưu ý trong hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam những tháng qua là tổng vốn đầu tư đăng ký lần đầu tiên tăng trở lại so cùng kỳ, sau chuỗi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,5%). Mức tăng vốn đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh hơn so các tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh so cùng kỳ. Tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư.

Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng năm 2023 đã cải thiện rất nhiều so với mức giảm 7,1% của cùng kỳ 2022, được thể hiện qua những tín hiệu tích cực như sau: Vốn đăng ký cấp mới có 1.627 dự án với số vốn đạt 7,94 tỉ USD, (chiếm 48,9% tổng vốn đăng ký), tăng 75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng, giảm này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư an toàn của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn