MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Hải Nguyễn

Năm 2017 có thể hoàn thành CPH 38/44 DNNN

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 23/10/2017 14:02

Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, thực hiện cơ cấu lại DNNN và các tổ chức tín dụng đã quyết liệt hơn so thời gian trước song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu; cơ cấu lại DNNN chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số DNNN sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp CPH vẫn còn cao.

Tính đến hết tháng 8.2017, đã hoàn thành CPH 18 DNNN, đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 12 DNNN, đang tiến hành xác định giá trị 14 DNNN. Ước cả năm 2017 có thể hoàn thành CPH 38/44 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.

Về thoái vốn, mới bán phần vốn nhà nước tại 26 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỷ đồng (bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.815,3 tỷ đồng

Thị trường lao động còn tồn tại các rào cản về dịch chuyển lao động, thiếu thông tin thị trường, còn tồn tại giao dịch lao động phi chính thức; thị trường khoa học và công nghệ quy mô nhỏ, giá trị giao dịch thấp; thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn hạn chế...

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ, được quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5/10 quốc gia thành viên ASEAN. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137.

Theo Nikkei, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2017 của Việt Nam tăng lên 53,3 điểm, thể hiện điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ. Đây là mức tăng mạnh và cao nhất trong các nước ASEAN (Philippines là 50,8; Indonesia là 50,4; Thái Lan là 50,3; Malaysia là 49,9; Myanmar là 49,4 và Singapore là 48,6).

Nhìn chung, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cơ bản đã được tập trung triển khai và đạt được một số kết quả; nhưng việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục để thúc đẩy mạnh hơn nữa tiến trình này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn