MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, trong năm 2018, sẽ tiếp tục giám sát đặc biệt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Ảnh: THÔNG CHÍ

Năm 2018 sẽ giám sát đặc biệt dự án nguy cơ ô nhiễm cao!

THÔNG CHÍ (ghi) LDO | 02/02/2018 10:36
“Phải phân ra các loại hình công nghiệp có tiềm năng gây ô nhiễm, các dự án công nghệ lạc hậu, phải đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt bằng cả biện pháp hành chính, bằng cả biện pháp kinh tế, bằng cả biện pháp kỹ thuật. Và tốt nhất, nên loại trừ các loại hình ô nhiễm ra, không cho đầu tư vào chúng ta”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) khi trao đổi với báo chí về các biên pháp bảo vệ môi trường trong năm 2018. 

- Trong năm qua, việc kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm đã đạt được một số thành công, không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm trên diện rộng. Xin Bộ trưởng cho biết trong năm 2018, Bộ TNMT sẽ tiếp tục làm gì để kiểm soát các cơ sở ô nhiễm này?

Tôi cũng nhắc lại rất nhiều lần, là chúng ta bước sang giai đoạn mới, đổi mới trong phát triển, đổi mới trong nhận thức về bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, bảo vệ môi trường là 1 trong 3 trụ cột cùng với kinh tế, xã hội để bảo đảm quan hệ hài hoà. Môi trường cần tiếp cận theo quan điểm mới, tiếp cận theo tinh thần xây dựng 1 nền kinh tế xanh, có nghĩa là môi trường cũng phải bắt đầu từ chủ trương, từ dự án đã phải đầu tư phải tính đến công nghệ giám sát, bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, lấy phòng ngừa, ngăn chặn làm chính. Và bảo vệ môi trường trên cơ sở tiếp cận nguyên tắc, phương thức quản lý phù hợp.

Trong giai đoạn tới, chúng ta bảo vệ môi trường bằng phương pháp phòng ngừa ngay từ đầu, từ đầu dự án sản xuất, hay nói ngôn ngữ môi trường là từ đầu đường ống. Và đặc biệt, các loại hình sản xuất có tiềm năng ô nhiễm, các dự án công nghệ lạc hậu thì phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bằng cả biện pháp hành chính, bằng cả biện pháp kinh tế, bằng các biện pháp kỹ thuật. Và tốt nhất, nên loại trừ loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao không đầu tư vào đất nước chúng ta. Đồng thời hết sức tạo điều kiện các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

- Chính phủ đã đề ra mục tiêu, năm 2017 cơ bản hoàn thành mục tiêu quan trắc tự động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường cao tại các tỉnh nhưng tới nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Vậy trong năm tới, việc lắp các trạm quan trắc tự động này được thực hiện thế nào?

Hiện nay, tăng cường giám sát môi trường với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu, khả năng xảy ra sự cố môi trường thì Bộ TNMT tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiến hành biện pháp đặt thiết bị quan trắc tự động, giám sát môi trường thực tiễn. Việc này tập trung vào các khu công nghiệp có lượng thải lớn, khí thải lớn.

Hiện nay, theo lộ trình, cả trung ương và địa phương đều tiến hành thanh tra, kiểm tra và yêu cầu đến nguồn thải nhất định có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì phải tiến hành lắp đặt các trạm quan trắc đến các cơ quan quản lý để giám sát. Đi đôi với giám sát tự động thì chúng ta tăng cường ứng phó, phòng ngừa không để sự cố môi trường xảy ra.

Đến nay, bộ TNMT, UBND các tỉnh, các sở TNMT đang tiến hành tập trung vào các loại hình doanh nghiệp ô nhiễm quy mô phát thải lớn. Tôi tin chắc với lộ trình này, năm 2018, năm 2019, hệ thống quan trắc tự động với các cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm cao sẽ được xác lập.

- Cảm ơn Bộ trưởng.

Những dự án nào nằm trong danh sách giám sát đặc biệt?

Bộ TNMT đã chọn 16 loại hình sản xuất phổ biến ở Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường. Gồm luyện gang thép, nhiệt điện, khai thác - chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại, sản xuất giấy - bột giấy, nhuộm vải - sợi, mạ, chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn, sản xuất ximăng, sản xuất hóa chất - thuốc bảo vệ thực vật - phân bón hóa học, lọc hóa dầu, thuộc da, chế biến thủy sản, chế biến mía đường, sản xuất pin - ăcquy, xử lý chất thải.

Trong danh sách các cơ sở kiểm soát đặc biệt có tới 20 tỉnh, thành phố có các cơ sở khai khoáng, các KCN. Trong đó, Lào Cai chiếm nhiều nhất với 4 dự án bao gồm: Nhà máy Phân bón Diamon phốt phát số 2, dự án Nhà máy Phốtpho vàng VN, nhà máy Phốtpho vàng Lào Cai, KCN Tằng Loỏng và dự án khu mỏ-tuyển đồng Sinh Quyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn