MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm 2021, đại gia “đất vàng” Hapro lỗ tăng 97 lần so với 2020

Tùng Thư LDO | 08/02/2022 16:03

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 của Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội, mã chứng khoán HTM) là âm 4,9 tỉ đồng, gấp 97 lần số lỗ của năm 2020.

Hapro vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021.

Theo đó, địa điểm kinh doanh mới là 19-21 Đinh Tiên Hoàng, phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, địa chỉ trụ sở chính/chi nhánh là số 38-40 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất, tại ngày 31.12.2021, Hapro có 56,4 tỉ tiền và tương đương tiền, tăng gấp 3 lần đầu năm. Bất động sản đầu tư 105,5 tỉ, giảm 3,4% so với đầu năm, đầu tư  tài chính dài hạn 231,7 tỉ, giảm 3,1% so với đầu năm, trong đó đầu tư vào công ty liên kết liên doanh 165,4 tỉ, giảm 7,5 tỉ so với đầu năm.

Quý IV/2021, Hapro đạt doanh thu hợp nhất 142,3 tỉ đồng, giảm 32,5% so với quý IV/2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1,1 tỉ, trong khi quý IV năm ngoái âm 586 triệu đồng. Nhờ có khoản lợi nhuận khác 463 triệu đồng mà quý IV/2021 Hapro chỉ còn lỗ 716,6 triệu sau thuế trong khi cùng kỳ lãi 2,5 tỉ.

Lũy kế cả năm 2021, Hapro đạt doanh thu hợp nhất 618,4 tỉ đồng, giảm 34,7% so với năm 2020. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 9,8 tỉ đồng (tăng gấp đôi số lỗ năm 2020), lợi nhuận khác 5,1 tỉ, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Kết quả là lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 của Hapro là âm 4,9 tỉ đồng, gấp 97 lần số lỗ của năm 2020.

Theo Báo cáo tài chính riêng, quý IV/2021, Hapro đạt doanh thu 101,5 tỉ đồng, giảm 46,6% so với quý IV/2020, lợi nhuận sau thuế 129 triệu đồng, giảm 95,6% so với quý IV/2020. Lũy kế cả năm 2021, Hapro đạt doanh thu 539 tỉ đồng, giảm 40,5% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế 3,4 tỉ, giảm 71,6% so với năm 2020.

Hapro là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thương mại và phân phối ở Hà Nội với vốn điều lệ 2.200 tỉ đồng, được IPO năm 2018. Tại thời điểm cổ phần hóa, Hapro nắm giữ quỹ đất vào loại “khủng” ở Hà Nội, với 183 cơ sở nhà đất.

Theo bản cáo bạch IPO thì sau khi cổ phần hóa, nhà nước sẽ thu hồi 63 cơ sở nhà đất và giao cho Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 cơ sở nhà đất, trong đó có không ít địa chỉ được liệt vào dạng “đất vàng”.

Ngoài nắm giữ trực tiếp, Hapro còn quản lý và sử dụng nhiều lô đất thông qua hệ thống dày đặc các công ty con. Đơn cử, CTCP Thủy Tạ đang quản lý 8 bất động sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lê Thái Tổ như nhà hàng Thủy Tạ, Bốn Mùa... CTCP Thủy Tạ còn sở hữu thương hiệu kem Thủy Tạ.

CTCP Thương mại – Đầu tư Long Biên quản lý 11 cơ sở nhà đất, chuỗi siêu thị Hapromart diện tích từ 800 đến 2.700 m2 tại các quận Long Biên và Gia Lâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn