MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất nhập khẩu nhãn lồng của Việt Nam sang Mỹ. Ảnh: Long Hân

Năm 2021, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7,1%

Phong Nguyễn LDO | 05/04/2021 09:11

Tuần qua, nhiều định chế tài chính lớn quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mức 6,5% năm 2021. Ngân hàng United Oversea Bank thì đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%.

Thế giới đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam

Mới đây, lạc quan về khả năng hồi phục và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng United Oversea Bank đã đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng vừa dự báo tăng trưởng kinh tế (tổng sản phẩm nội địa - GDP) Việt Nam năm 2021 là 6,6%. Cùng với xu hướng hồi phục của kinh tế trong nước, trong tuần qua nhiều định chế tài chính lớn tiếp tục đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Trong đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố về việc xếp hạng cho khả năng thanh toán nợ dài hạn và nợ "được ưu tiên trả trước" không có tài sản bảo đảm được phát hành bởi Chính phủ Việt Nam lên Ba3, thay đổi triển vọng từ "tiêu cực" thành "tích cực", đồng thời nhấn mạnh rằng việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đã giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước cũng như thương mại xuyên quốc gia, hỗ trợ thu thuế. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Những diễn biến này một lần nữa khẳng định các chính sách điều hành và sự phục hồi kinh tế trong nước đang thực sự đi đúng hướng.

Trang MoneyWeek của Anh đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất Châu Á thời gian tới. Lần đầu tiên sau 27 năm, một Tổ chức xếp hạng uy tín của Mỹ công bố Việt Nam vào nhóm có nền kinh tế tự do trung bình với nhiều tiêu chí được cải thiện theo hướng tích cực. Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ, năm 2021 là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm - chủ yếu do “sức khỏe” tài chính được cải thiện - và thăng 15 bậc so với năm ngoái.

Kinh tế Việt Nam chứng tỏ khả năng chống chịu COVID-19

Nhận xét về kinh tế Việt Nam năm 2021, HSBC nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu vững vàng trong đại dịch COVID-19. GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng được 2,9% và thuộc số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm đầu tiên đại dịch COVID xuất hiện.

Dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch, giúp kinh tế Việt Nam khởi đầu năm 2021 trên một nền tảng vững vàng: Sản xuất và kinh doanh đều ở mức tăng trưởng dương. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, khu vực dịch vụ tăng 3,34%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2021 cho thấy: Có 68,6% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn và ổn định so với quý IV/2020. Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 85,1% số DN cũng đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3.2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Quý đầu tiên của năm 2021, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,5% nổi bật nhờ xuất khẩu tăng trưởng ở mức 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 10,13 tỉ USD - là con số ấn tượng trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp trọng điểm hồi phục trở lại, tăng trưởng quý I cũng được hỗ trợ lớn từ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được kiểm soát tốt, chỉ số CPI bình quân quý I/2021 chỉ tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Hoạt động sản xuất trong nước cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3.2021 ước tính tăng 22,1% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam theo tính toán của I Markit cũng đã tăng lên 53,6 điểm trong tháng 3.2021 so với 51,6 điểm trong tháng trước đó, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện mạnh mẽ. Trong đó, các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng và thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đã giúp hỗ trợ tăng số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng trong tháng 3.2021.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính): Mức tăng trưởng 6-6,5% GDP trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi, vì năm ngoái chỉ tăng trưởng 2,91%, nên năm nay chỉ phải so với nền thấp. GDP quý I/2021 đạt 4,48% không cao, nhưng cũng không thấp. Khả năng các quý sau tăng trưởng sẽ cao hơn vì năm ngoái tăng trưởng suy giảm bắt đầu từ quý II. Mức tăng trưởng GDP 6,5% Việt Nam có thể đạt được. Tuy nhiên, phải khống chế được dịch bệnh COVID-19.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Việt Nam có thể đạt mức 6,5-7% vào năm 2021 do tăng trưởng GDP 2021 dựa trên mức nền tăng trưởng GDP năm 2020 thấp. Những thành tích trong giải ngân đầu tư công và vốn FDI khởi sắc ngay từ đầu năm là những “điểm cộng” hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó còn hàng loạt “điểm sáng” như: Hoạt động bán lẻ tiếp tục tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng; thặng dư thương mại tốt; lạm phát trong tầm kiểm soát; mặt bằng lãi suất giảm...

Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân): Để hỗ trợ DN, đặc biệt là DN kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh COVID-19, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, để DN và các doanh nhân dám tự tin sáng tạo, đầu tư, bởi trong đầu tư kinh doanh, gánh nặng chi phí cao nhất là chi phí phi chính thức. “Có nhiều giải pháp như số hoá triệt để thủ tục, loại bỏ giấy tờ và sử dụng phi giấy, minh bạch hoá quy trình, loại bỏ điều kiện kế gây ách tắc, tăng số lượng thủ tục tự DN chứng nhận..."

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn