MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập đoàn Central Retail Thái Lan tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong hệ thống bán lẻ. Ảnh minh họa: Vũ Long

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục là “nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài

Vũ Long LDO | 17/12/2021 18:59

Năm 2021 với nhiều khó khăn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan. Dự báo năm 2022, vốn đầu tư ngoại vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), mặc dù còn nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát huy những điểm sáng kế thừa từ năm 2021 – là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ở Việt Nam, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với sự đồng hành của Chính phủ, doanh nghiệp đã được hỗ trợ bởi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với chiến lược chuyển từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, là “chìa khóa” mở hết các “nút thắt” từng làm tê liệt sản xuất trong thời gian dài vì cả doanh nghiệp và địa phương đều lúng túng trong các giải pháp chống dịch.

Ngày 17.12.2021, tại hội nghị “Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới” do VIAC phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc ITPC khẳng định: Với những nỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất cả nước với gần 49 tỉ USD, con số này khá cao khi chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư trên cả nước. 

Các chuyên gia đánh giá, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục khả quan trong năm 2022. Ảnh: VIAC

Theo ông Tharabodee Serng Adichaiwit - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) chia sẻ: Các nhà đầu tư Thái sẽ rót thêm vài tỉ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. 

Trong thời gian qua, những ngành tiềm năng đã và đang được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm, đầu tư đa lĩnh vực: Sản xuất, bán lẻ, năng lượng... Ước tính, lũy kế đến tháng 10.2021, Thái Lan là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của Việt Nam với 636 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 13 tỉ USD. 

Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua có tới 90% doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam bị ảnh hưởng trong sản xuất song tới hiện tại, các đơn vị đã hoạt động trở lại gấp đôi công suất.

Mới đây, bằng chứng là ngày 14.12.2021, tại TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! Thái Bình vừa được khai trương thêm, sau Đại siêu thị GO Thái Nguyên vừa được khai trương trước đó.

Đây là mô hình bán lẻ chuyên nghiệp, được Tập đoàn Central Retail Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Retain Thái Lan) - một trong các nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, đưa vào hoạt động, đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao; từ các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, cho đến quần áo phụ kiện thời trang, đồ điện máy gia dụng và dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí mang tính sáng tạo… qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thái Bình và vùng lân cận.

Ông Christian Olofsson - Giám đốc Điều hành - Khối phát triển Bất động sản Central Retail Việt Nam, khẳng định: “Việc khai trương trung tâm thương mại cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình, đồng thời thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Central Retail vào Việt Nam”.

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thu thút vốn đầu tư nước ngoài

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2022, việc thực thi Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ càng nhuần nhuyễn hơn, giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư ngoại tin tưởng ”rót” vốn đầu tư vào Việt Nam. 

“Vốn đầu tư ngoại dự kiến sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm 2022” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Tharabodee Serng Adichaiwit, khẳng định: “Chúng tôi tin nền tảng tốt trong quá trình chống dịch của Việt Nam sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tăng trưởng tốt trong tương lai.

Riêng với Thái Lan, chúng tôi kỳ vọng sẽ có khoảng 4.000-5.000 nhà đầu tư và hàng trăm ngàn du khách Thái Lan sẽ đến Việt Nam trong năm 2022".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, triển vọng phục hồi kinh tế sau COVID-19 liên quan mật thiết tới đà phục hồi của cả mạng lưới sản xuất khu vực Châu Á. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ Hiệp định thế hệ mới RCEP trong tiến trình cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn. 

Với góc nhìn thận trọng, ông Frederick R. Burke - Cố vấn cấp cao Baker & McKenzie (Vietnam) LTD, cho rằng, tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, các nước đang muốn đẩy mạnh việc mang hoạt động sản xuất về lại nước mình, khả năng thu hút vốn FDI càng khó khăn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn