MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn nhiều lạc quan trong năm 2022. Ảnh: Vũ Long

Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tự tin mang về hơn 50 tỉ USD

Vũ Long LDO | 05/09/2022 19:30

Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 tỉ USD, giữ vững các thị trường trọng điểm.

Phấn đấu xuất khẩu đạt kim ngạch trên 50 tỉ USD

Chiều 5.9.2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến thông tin: 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỉ USD, tăng 3,9%.

“Xuất siêu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 6,3 tỉ USD trong 8 tháng năm 2022, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm trước” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phấn khởi chia sẻ.

Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước gần 36,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỉ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỉ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỉ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỉ USD, tăng 48,2%. Trong đó, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê trên 2,8 tỉ USD (tăng 40,3%); cao su trên 2 tỉ USD (tăng 8,1%); gạo trên 2,3 tỉ USD (tăng 8,1%); hồ tiêu khoảng 712 triệu USD (tăng 8,2%); sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD (tăng 22,5%), cá tra trên 1,7 tỉ USD (tăng 82,6%), tôm gần 3 tỉ USD (tăng 22,0%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỉ USD (tăng 6,5%); mây, tre, cói thảm 592 triệu USD (tăng 1,8%), phân bón các loại 780 triệu USD (tăng 163,6%); thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 770 triệu USD (tăng 10,3%)...

Việt Nam tuân thủ quy định quốc tế về xuất khẩu gạo

Cũng trong chiều 5.9.2022, liên quan đến thông tin Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Việt Nam tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo, có trách nhiệm trong vấn đề an ninh lương thực không chỉ ở Việt Nam mà còn là trách nhiệm an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.

“Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tuân thủ các nguyên tắc thị trường thế giới, đảm bảo minh bạch, trách nhiệm, không có chuyện ngành lúa gạo Việt Nam "bắt tay" với ngành lúa gạo Thái Lan để tăng giá trên thị trường quốc tế” – ông Nguyễn Như Cường khẳng định.

Tính đến giữa tháng 8.2022, Việt Nam đã gieo cấy được 6,7 triệu hecta (ha) lúa. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng thu hoạch bình quân đạt 63,3 tạ/ha, với sản lượng như vậy, ông Nguyễn Như Cường khẳng định Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu lương thực của gần 100 triệu người dân trong nước, ngoài ra còn dư để xuất khẩu từ 6,5-6,7 triệu tấn trong năm nay.

Thực hiện chiến lược cơ cấu ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đang thực hiện giảm diện tích trồng lúa, nâng cao chất lượng lúa gạo để tăng giá trị xuất khẩu, xuất khẩu ít nhưng kim ngạch cao.

“Từ nay đến năm 2030, Việt Nam giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,9 triệu hecta xuống còn 3,5 triệu hecta, chuyển đổi linh hoạt diện tích đất trồng lúa sang cây trồng có giá trị cao hơn, kết hợp trồng lúa với nuôi thả thủy sản để cho giá trị cao hơn trên diện tích đất nông nghiệp…

Trong 8 tháng năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỉ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với khoảng 6,5 tỉ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỉ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỉ USD (chiếm 4,7%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn