MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước chủ động thích ứng, xây dựng chiến lược kinh doanh sớm cho năm 2023. Ảnh: L.Đ

Năm 2023: Doanh nghiệp chủ động thích ứng, xây dựng chiến lược kinh doanh

LAN NHI LDO | 15/11/2022 08:36

Biến động thị trường cùng suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao đang là những lực cản lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước buộc phải chủ động thích ứng, xây dựng chiến lược kinh doanh sớm cho năm 2023.

Linh hoạt ứng biến

Dự trù kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước đang là một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp linh hoạt áp dụng.

Theo ông Lương Văn Thư - Tổng Giám đốc Công ty may Đáp Cầu - chia sẻ, việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2023 trong bối cảnh thị trường toàn cầu chuyển biến xấu là điều vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang rất nỗ lực, theo dõi sát sao sự chuyển động của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may, từ đó lập kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp.

Tương tự, phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đưa ra lưu ý, doanh nghiệp sản xuất phải theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động nhưng không nên quá lo lắng và ký các đơn hàng dài hơi với giá thấp vì về lâu dài sẽ rất thiệt thòi.

 Vitas cũng nêu kịch bản xuất khẩu năm 2023, nếu tình hình khó khăn của quý IV/2022 kéo dài hết quý I/2023, đến quý II mới trở lại trạng thái bình thường thì ngành dệt may sẽ đặt mục tiêu xuất khẩu 47- 48 tỉ USD, tăng 8%. Trường hợp tình hình khó khăn kéo dài đến giữa năm 2023 thì mục tiêu xuất khẩu ngành sẽ vào khoảng 46 tỉ USD, tăng nhẹ so với năm 2022.

Cụ thể đầu tháng 11.2022, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may không mấy khả quan do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao. Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25 - 50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15 - 20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cũng chia sẻ, trong bối cảnh đơn hàng dệt may sụt giảm do thị trường Mỹ, EU giảm sức mua cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững. 

Lo ngại lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm 

Báo cáo của Bộ Công Thương nhận định, lạm phát tăng nhanh tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đơn hàng đã giảm thấy rõ trong 2 tháng qua. Ngành dệt may, điện thoại, giày dép đều chưa đủ đơn hàng 2 tháng cuối năm 2022, tỉ lệ mất giá của VND so với USD trong xu hướng mất giá chung càng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế, dự báo cho thấy khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra. Việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo giảm xuống còn 2,7%, thay vì 3,5% như trước do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Từ đó làm giảm sức cầu hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, việc USD tăng giá cũng đã gây tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Tỉ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu như dệt may, da giày, điện tử, nhựa, gây sức ép giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đánh giá của SSI Research, nhóm doanh nghiệp đang sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỉ giá.

Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá 8,6% so với USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn