MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ảnh: Hải Nguyễn

Nắm 3,7 triệu tỉ đồng, doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phát huy vai trò dẫn dắt

Đức Mạnh LDO | 26/09/2023 13:40

Không ít doanh nghiệp nhà nước đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới. Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.

Chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng

Tại tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhấn mạnh, mặc dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỉ đồng của đất nước.

Chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí), thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng) hoặc có rào cản gia nhập ngành tự nhiên, mà chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.

Theo ông, các doanh nghiệp nhà nước đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới. Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.

Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế.

“Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những đơn vị quy mô lớn” - ông Trung nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: VIR

Lý giải về điều này, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đưa ra 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển từ 5 bộ về Ủy ban tại cùng một thời điểm nên khối lượng công việc phát sinh lớn. Phạm vi, tính chất công việc rộng, phức tạp, liên quan đến 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.

Thứ hai, nguồn lực còn thiếu và hạn chế cả về số lượng cũng như trình độ, năng lực cán bộ. Uỷ ban vừa phải kiện toàn tổ chức, vừa phải thực hiện ngay và đầy đủ, đúng quy định của pháp luật chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Thứ ba, hệ thống hoàn thiện xây dựng mô hình Ủy ban tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với cùng một đối tượng doanh nghiệp chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật.

Xác định chỉ tiêu gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Kiến nghị giải pháp trọng tâm nâng cao vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đề xuất lấy các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế. Có cơ chế chính sách đặc thù để các doanh nghiệp được lựa chọn nâng cao năng lực, hiệu quả để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với khu vực tư nhân.

“Trên thực tiễn, việc giao các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và kết quả tài chính đã bước đầu thực hiện thông qua việc cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu) phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, 5 năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần nâng cao hiệu quả của việc xác định các chỉ tiêu/mục tiêu này, gắn với công tác quản lý, giám sát, trong đó có việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao mục tiêu, kết quả hoạt động cho từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty được lựa chọn. Việc giao mục tiêu cần được tính toán dựa trên dự báo thị trường, chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển được phê duyệt và thực tế hoạt động 3 năm gần nhất” - ông Trung nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn