MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh toán không chạm ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Nắm chắc nền tảng số để người dân thực sự được thụ hưởng

KHÁNH AN LDO | 10/10/2023 07:12

Từ người bán hàng rong đến các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều chung tay chuyển đổi số. Việc chuyển đổi dần từ các phương thức truyền thống sang môi trường số giúp mỗi người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức.

Chuyển đổi số từ những giao dịch nhỏ nhất

Đang loay hoay tìm 23.000 đồng trong túi để trả tiền cho cuốn truyện con gái vừa mua, chị Mai Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) được nhân viên thu ngân hướng dẫn quét mã QR để có thể thanh toán nhanh chóng, tiện lợi hơn. Với phương thức thanh toán này, chị Hằng chỉ cần thanh toán đúng giá bìa của cuốn truyện là 22.500 đồng.

Thấy chị Hằng có phần e dè, nhân viên thu ngân cho biết đã quá quen với việc khách hàng quét mã QR kể từ hơn 1 năm trở lại đây. “Khách hàng quét mã như vậy vừa có thể chuyển được đúng số tiền của sản phẩm, bọn tôi cũng không mất công tìm tiền lẻ để trả lại khách hàng. Việc này cũng tránh được nhiều sai sót trong quá trình tính toán” - nhân viên thu ngân nói.

Việc thanh toán không chạm ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Người dân có thể dễ dàng bắt gặp những mã QR thanh toán từ những sạp bán rau, bán thịt ngoài chợ hay tại các quán ăn, cửa hàng điện máy...

Đây cũng là một trong những điều mà "Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10" hướng tới. Đó là giúp người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.

Trong tháng này, các Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.

Đặc biệt, người dân trên cả nước được thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, hoạt động đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp trong 9 lĩnh vực tham gia. Đặc biệt, có nhiều chương trình ưu đãi đã được doanh nghiệp triển khai hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia từ sớm, trước tháng 10.2023 và có các chương trình ưu đãi kéo dài dư âm của Ngày Chuyển đổi số quốc gia đến sau tháng 10.

Chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện

Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều 2 chân: Một là, phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc; hai là, đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tàu. Từ cái mới đã được các đầu tàu triển khai thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập là công việc quan trọng của quản lý Nhà nước. Bởi vì, chuyển đổi số là toàn dân và toàn diện, tức là phải phổ cập.

“Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó quyết định tất cả. Bởi vậy, chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

Những dấu ấn vượt bậc về chuyển đổi số

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 5,6 triệu tài khoản đăng ký, hơn 87,37 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 13 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 19,8 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 13 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.000 tỉ đồng.

Về dữ liệu số, ghi nhận kết quả tích cực thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong tháng đạt hơn 21 triệu giao dịch thành công, trung bình hằng ngày có khoảng 1,4 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Các cơ sở dữ liệu về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin; cán bộ, công chức, viên chức kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương.

Ở nội dung hạ tầng số, tỉ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 79,8%, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022; tỉ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 78,38%, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn