MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng quan tổ hợp Nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện đang được triển khai tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: NT

Nam Định: Khởi động những dự án tạo "cú hích" trong phát triển kinh tế biển

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 02/04/2022 17:45

Nam Định – Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế biển, từ việc quy hoạch là vùng phát triển kinh tế thủy sản (tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng), tỉnh Nam Định đã mạnh dạn thay đổi quy hoạch thành các khu công nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút các dự án lớn làm tiền đề để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biển

Vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây được quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản tại Quyết định 2896/QĐ-UBND. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này vẫn mang tính manh mún và tự phát, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp cho ngân sách. Hầu hết các hộ đang nuôi trồng thủy sản đều ký hợp đồng thuê đất trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 năm, một số hộ đã hết thời hạn hợp đồng.

Trong khi đó, nơi đây có tiềm năng phát triển cảng nước sâu gắn với các ngành công nghiệp cơ bản, đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Vì vậy, ngày 20.7.2020, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 1645/QĐ-UBND về việc chấm dứt hiệu lực của quy hoạch vùng thủy sản này. Đồng thời, đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Nam Rạng Đông và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, đến năm 2040. Việc quy hoạch này nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thu hút các dự án lớn làm tiền đề để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 400ha đất tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) sẽ được thu hồi để xây dựng tổ hợp Nhà máy thép xanh với công suất 9,5 triệu tấn/năm. Ảnh: NT

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Các dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực Cồn Xanh phù hợp với quy hoạch xây dựng phía Nam Đô thị Rạng Đông, thuộc khu vực đất công nghiệp, không làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn hiện hữu.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tỉnh Nam Định đã và đang nỗ lực vận động, kêu gọi đầu tư, tập trung xúc tiến các dự án quy mô lớn, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Đặc biệt, ngày 22.3.2022, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tổ hợp Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nam Định do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư với tổng công suất 9,5 triệu tấn/năm, với công nghệ tiên tiến không sử dụng than cốc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất thép giúp giảm thiểu lên đến trên 80% lượng phát thải CO2, bảo vệ môi trường. Đây được xem là một trong những tổ hợp dự án lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định, góp phần quan trọng trong định hướng phát triển công nghiệp sạch của tỉnh cũng như tạo nguồn thu ngân sách.

Cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động

Hiện nay, UBND huyện Nghĩa Hưng đã và đang phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng dự án quan trọng nói trên. Theo tiến độ dự kiến, Quý III năm 2022 sẽ khởi công xây dựng tổ hợp Nhà máy thép xanh. Người dân nơi đây cũng đang kỳ vọng vào sự đổi thay lớn từ những chủ trương, quyết sách có tính bước ngoặt của lãnh đạo tỉnh Nam Định.

Có mặt tại khu vực Cồn Xanh vào chiều ngày 1.4, theo ghi nhận của PV, những hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản ở đây đều rất đồng tình với chủ trương thu hồi đất để xây dựng các dự án công nghiệp lớn của tỉnh.

Anh Phạm Văn Đương (trú tại xã Nam Điền) chia sẻ: Gia đình anh thuê hơn 9.000m2 đất của UBND xã tại khu vực Cồn Xanh để nuôi trồng thủy sản từ những năm 2010 đến nay. Những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp nhiều vất vả, nhất là từ khi xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh, đầu tư nhiều nhưng không có hiệu quả.

Người dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Xanh trao đổi với phóng viên Lao Động. Ảnh: NT

"Gia đình tôi chủ yếu là nuôi cá mú, đầu tư chi phí thức ăn, con giống, nhân công, cải tạo đầm, tiền thuê mặt bằng... một vụ phải bỏ ra số tiền khoảng 600 triệu đồng nuôi trong vòng 2 năm mới thu hoạch được. Trong khi đó, giá cả lên xuống bấp bênh, được mùa thì mất giá nên thường xuyên lâm vào tình trạng thua lỗ, nhưng vẫn phải bám trụ vì không biết làm gì khác" - anh Đương nói.

Cùng chung hoàn cảnh như gia đình anh Đương, gia đình anh Trần Văn Thịnh và nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở đây cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Thịnh chia sẻ: Chúng tôi ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản từ những năm 2010, thời gian đầu năng suất tốt thì còn có chút lời, nhưng những năm gần đây, do môi trường nuôi ô nhiễm, thêm vào đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đầu tư nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn.

"Bỏ hoang thì tiếc mà làm thì không có lãi nên bây giờ tỉnh có chủ trương thu hồi để làm các dự án phát triển công nghiệp vợ chồng tôi đồng thuận và thực hiện các thủ tục để chấm dứt hợp đồng thuê đất với xã. Tôi chỉ mong sao dự án hoàn thành đúng tiến độ, đi vào hoạt động để con em chúng tôi tìm được việc làm tại các nhà máy này mà không phải đi sang các tỉnh khác. Hy vọng sẽ không giống như KCN Rạng Đông, thu hồi đất đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có nhà máy nào hoạt động làm chúng tôi mong mãi" - anh Thịnh nói.

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Hiện nay, UBND huyện Nghĩa Hưng đã và đang phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi hơn 400ha đất tại khu vực Cồn Xanh, thuộc địa bàn xã Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành và Nghĩa Lâm. Khi tỉnh có chủ trương thu hồi để xây dựng các dự án phát triển công nghiệp, người dân cũng đồng tình và ủng hộ.

Theo cam kết của chủ đầu tư, sau 36 tháng từ ngày được giao đất, Dự án sẽ hoàn thành giai đoạn đầu với công suất 2 triệu tấn/năm, mang lại nguồn thu ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng/năm; và 24 tháng sau đó (60 tháng từ ngày giao đất) sẽ hoàn thiện toàn bộ nhà máy với công suất 9,5 triệu tấn/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động và đóng góp cho ngân sách địa khoảng 10.000 tỉ đồng/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn