MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Năm lịch sử" của thị trường bánh trung thu: "Sản lượng giảm đến 80%"

Anh Tuấn LDO | 14/09/2021 08:05

Nếu như mọi năm, đây là thời điểm người dân xếp hàng dài, mua bằng được vài hộp bánh nướng, bánh dẻo thương hiệu nổi tiếng thì năm nay, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, các gian hàng bán bánh trung thu lưu động hoàn toàn vắng vóng trên các tuyến phố Hà Nội.

Sản lượng bánh trung thu giảm 80%

Còn hơn 1 tuần nữa đến Tết Trung thu, tuy nhiên, thời điểm này, tại những góc phố của Hà Nội vắng bóng những gian hàng bán bánh trung thu lưu động.

Phố Thuỵ Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), với nhiều cửa hàng bán bánh trung thu nổi tiếng, năm nay, không còn cảnh người dân "rồng rắn" xếp hàng để mua bánh. Thay vào đó là những vách ngăn phòng chống dịch COVID-19, lượng người đến mua tại cửa hàng cũng ít hơn rất nhiều.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Hải Đăng – chủ cơ sở bánh trung thu Bảo Phương (Thuỵ Khuê, Tây Hồ) cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở làm bánh của ông bị ảnh hưởng nặng nề. 

Ảnh hưởng đầu tiên là không tuyển được nhân viên từ các tỉnh lân cận do Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Kèm theo đó là những khó khăn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào, giá thành bị đẩy cao khoảng 20%. Đầu ra cũng chật vật vì thực hiện giãn cách xã hội.

"Tính đến thời điểm này, sản lượng làm bánh của chúng tôi giảm 80% vì thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Chúng tôi vẫn có thợ làm bánh lành nghề, được đào tạo gần 20 năm nay, họ ăn - ngủ tại xưởng để đảm bảo phòng dịch.

Tuy nhiên, chúng tôi thiếu hụt đội phụ trợ làm bánh vì không thể tuyển được người. Trong khi đó, để làm ra được một chiếc trung thu hoàn chỉnh, đội phụ trợ cũng rất quan trọng", ông Đăng cho hay. 

Theo ông Đăng, hiện tiệm vẫn giữ nguyên mức giá cũ từ 40.000-80.000 đồng/chiếc cho cả bánh dẻo và bánh nướng, trong khi mức giá nguyên liệu tăng 20%. Với sản lượng bánh giảm 80%, doanh thu ước tính giảm khoảng hơn 2 tỉ đồng.

Đến thời điểm này, lượng người đến mua bánh không nhiều. Ảnh: Cường Ngô 

Bà Nguyễn Thị Bình - chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Bình Chung (phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng than thở, chưa có năm nào thị trường bánh trung thu chật vật như năm nay, lượng người đến mua ít hơn hẳn 

"Hiện cơ sở chỉ còn giữ lại 7-8 công nhân, trong khi bình thường là 20 người, làm ngày đêm", bà Bình nói.

Tìm hướng đi mới

Để đáp ứng nhu cầu người dân, các thương hiệu bánh trung thu như Bảo Phương, Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị… đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang giao dịch thương mại điện tử, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.

Chủ thương hiệu bánh Bảo Phương cho biết, cửa hàng ông phải thay đổi phương án bán hàng online mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ đến.

Theo ông Đăng, ông đã cho lập trang web, lập Facebook, Zalo và đăng ký các sàn thương mại điện tử để bán hàng. Trong đó, để thuận tiện giao hàng, tiệm đã liên kết với ứng dụng giao hàng tiết kiệm và sàn Shopee, tuy nhiên vẫn rất hạn chế vì không phải khu vực nào cũng được đưa hàng đến, hay nhiều khu vực không tiếp cận được.

Ông Đào Tiến Thành - Quản lý Marketing Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà cũng cho hay, thị trường năm nay sẽ được công ty tiếp cận hoàn toàn khác so với mọi năm do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19.

Khâu bán hàng sẽ hạn chế tối đa việc đi lại và tiếp xúc với khách hàng và được thay thế bởi các phương án chào bán qua phát triển các kênh tiếp thị online và thương mại điện tử.

Là đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường, Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết, sẽ mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng với lượng lớn phiếu mua sắm ưu đãi. Tuy nhiên, vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên họ cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng về thị trường bánh trung thu năm nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn