MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nam Phú Quốc- những góc nhìn khác lạ

T.H LDO | 20/12/2017 07:00

Một lần đến Nam đảo, để rồi phải lòng cả đất lẫn người và biển. Một lần đến An Thới, để thấy đáng ra, ta phải đến đây từ lâu rồi. Vì sao lại “bỏ quên” những thiên đường hoang sơ ấy chứ?

Phú Quốc đón chúng tôi bằng cái nắng tưng bừng, vàng rực. Bắc đảo với những bãi Dài, bãi Vũng Bàu, Gành Dầu… đã quá quen thuộc. Quốc - một cậu bạn người bản địa đã hẹn dẫn chúng tôi thăm đảo Ngọc cười: “Giờ là thời của Nam đảo rồi”. 

Về Nam đảo - Nghe trong gió sự hoang sơ

 

Quốc sinh ra ở vùng đảo này, chắc có lẽ vì thế mà ba mẹ cậu đặt tên cho cậu như vậy. Nước da cậu đã nhuộm đủ màu nắng gió vùng biển, đen nhẻm, nhưng khỏe khoắn, đầy nội lực. Con đường về An Thới từ sân bay giờ được trải nhựa thẳng băng, đèn hai bên lề, cây cối hoa cỏ trang trí, đẹp chả kém đường ngoại ô Hà Nội ấy chứ. Những câu chuyện không đầu không cuối liên tục khiến Quốc không có lúc nào được im lặng trên hành trình đón chúng tôi từ sân bay. Nhưng tựu chung lại là cậu sẽ dẫn chúng tôi trải nghiệm Nam Phú Quốc theo một hành trình chẳng giống ai.

An Thới - sang chảnh 

Quốc rất tự hào khi quê mình có khu nghỉ dưỡng này, nên cứ mời tôi làm một tour tham quan JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - trường đại học trong trí tưởng tượng của vị kiến trúc sư đại tài Bill Bensley. Mức giá khá hợp lý, 500.000 đồng kèm đồ uống cho một tour trải nghiệm sự sang chảnh bậc nhất châu Á khiến tôi lập tức gật đầu.

 

JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay không hổ danh là một kiệt tác kiến trúc. Những cuốn sách cổ cả trăm năm tuổi, những cúp vàng cúp bạc thể thao, những phấn trắng, bảng đen, cả bộ sưu tập hàng trăm chiếc chuông, rồi những bức vẽ hình hóa tri thức… được Bill Bensley, cha đẻ của khu nghỉ mang về bày khắp các ngóc ngách. 

18 phân khoa trong khu nghỉ dưỡng này đúng là một trường đại học ngoài đời. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của du học sinh thế giới. Bill Bensley dạy người ta học bằng thực tế, bằng hình hóa, bằng những bức vẽ tuyệt đẹp, ngộ nghĩnh, tinh xảo.  

 

Ví như ở Chanterelle - Spa by JW, ngoài việc thả cho cơ thể và tâm hồn được tự do tận hưởng cái sự thư thái của những liệu pháp massage truyền thống, người ta có thể chiêm ngưỡng những bụi nấm tự nhiên được bứng về đâu đó trong rừng. Trần nhà là một kho tri thức về nấm, trong những bức vẽ nấm giăng kín tường. Những kiến thức hóa học, những nguyên tố lằng nhằng mà kẻ lười biếng như tôi chẳng bao giờ nhớ hết, bỗng thấy chúng thú vị lạ lùng, khi hiển hiện trên tường, trên trần ở quán bar bên biển.

 

Ở khu nghỉ dưỡng này, đứng đâu cũng có thể học được. Người lớn học pha chế một loại dưỡng da ở Spa, trẻ con học làm đèn lồng Hội An truyền thống… Ai cũng có thể học, theo cách dễ hiểu nhất, vui sướng nhất. Nhưng không phải vì thế mà người ta không còn rung cảm trước vẻ đẹp bước ra từ tranh vẽ của bãi Kem khi bước chân trên cát trắng mịn như thể làn da con gái xuân thì, và hồn phách thì phiêu du theo tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng dừa reo vi vút.

Và An Thới hiền khô

An Thới hiền không chịu nổi. Thị trấn đêm về cũng sáng đèn màu quán xá, nhưng có cảm giác, sự xô bồ, ồn ã hào nhoáng không chạm tới nơi này. Hải sản mời gọi, tươi như mới vớt lên từ biển. Giá cả thì… hiền như bà chủ quán. 

Tối. Vác cái bụng lùm xùm hải sản mà Quốc lại bảo đi câu mực. Thì đi, không câu mực sao biết An Thới có gì về đêm. 

 

Nhờ mối quen, Quốc thuê được nguyên chiếc thuyền du lịch, giá đâu 1,6 triệu đồng. Đêm rồi, không ghép đoàn được, nhưng mà đi thế sướng. Cả cái thuyền to có 4 người, thêm ba bác lái thuyền lẫn phục vụ khách, thênh thang trên biển đêm.

Hóa ra câu mực không dùng mồi thật mà dùng con tôm giả, xuống nước nó phát sáng, dụ con mực cắn câu. Quăng mồi xuống nước, thi thoảng giật giật rung rung, để con mực tưởng con tôm giả là thật- đấy là bác chủ thuyền bảo thế. Chợt thấy dây câu nằng nặng, giật giật. Hốt hoảng cuốn dây. Trời đất. Mực thật, trong veo, nhấp nháy sáng. 

 

Bác chủ thuyền tiễn khách tận chỗ để xe máy. Cái dáng săn lại của bác khiến tôi nhớ những ngư dân ở làng chài bên Bãi Kem hồi chiều. Biển bao la đấy, nhưng chưa chắc đã đủ bao dung để nuôi được những dáng nhỏ khắc khổ đang gỡ từng con cá ra khỏi tấm lưới rộng. “Hôm nay coi như không có công cô ạ”, một ngư chài nói khi tôi lượm mớ tôm tít ít ỏi trong cái chậu nhựa. Gom cả mấy thuyền thúng mới được hơn ký tôm tít, tính ra, có 70.000 đồng, nào có mặc cả làm chi. Mua thêm ít cá nữa, mang vào quán nhỏ, hấp tôm, nướng cá, kêu dĩa gỏi cá trích nữa. Có lẽ tỷ phú chắc cũng chả có bữa tiệc nào ngon thế.

An Thới cứ hiền khô như thế. Bảo không thương, không yêu sao được. Mà thương rồi, yêu rồi thì cứ xách ba lô lên là đến. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn