MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nắn dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh

CAO NGUYÊN LDO | 05/12/2022 08:39

Một số ý kiến đề xuất nới trần tín dụng thêm 1% để có nguồn vốn tín dụng hơn 100.000 tỉ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm trước Tết Quý Mão 2023. Trong đó nắn dòng tiền vào mục đích sản xuất kinh doanh chứ không pha loãng, không có mục đích.

Có dòng vốn các dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ. Ảnh Cao Nguyên
Nới room không phải để giải cứu thị trường

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng, NHNN với nội dung "Rất cần nới trần tín dụng thêm 1% tại thời điểm then chốt hiện nay để bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12.2022 và trước Tết Quý Mão".

Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, rất cần thiết bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng để kịp thời hỗ trợ các thị trường chủ lực có ý nghĩa là đầu kéo cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Ông Châu nói, giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp phát triển bất động sản (BĐS), người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão đóng vai trò then chốt.

Chủ tịch HoREA cho hay, thị trường BĐS, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư BĐS đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do hụt dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, thị trường BĐS có thể khủng hoảng. Hậu quả có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Song song với việc nới trần tín dụng, các tiêu chí để các doanh nghiệp BĐS, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, giải pháp nới thêm 1% trần tín dụng không phải để giải cứu thị trường, doanh nghiệp BĐS. Việc này thể hiện Nhà nước thông qua cơ chế chính sách, tạo điều kiện để thị trường BĐS tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý. Các doanh nghiệp BĐS theo đó phải thấy rõ trách nhiệm của mình, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối và giảm giá thực chất để tự vượt khó.

“Nắn” dòng vốn để sử dụng đúng mục đích

Các chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng NHNN nên nới room tín dụng nhằm bổ sung vốn cho nền kinh tế. Hiện tại, để việc nới room cho các ngân hàng đạt hiệu quả, cần định hướng và có cơ chế rõ ràng để dòng vốn từ việc nới room này chảy vào những lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn phục hồi, các ngành bị ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chuyên gia BĐS Nguyễn Thế Điệp nói rằng, cần phải có cái nhìn rạch ròi về đầu tư BĐS, không phải cứ đầu tư BĐS là đầu cơ. Ông lo ngại thị trường BĐS sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nếu siết quá chặt dòng vốn. Trong khi đó, ngành BĐS kích thích tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay việc đẩy mạnh cho thị trường này phát triển càng trở nên cần thiết. “Nguồn cung BĐS càng khan hiếm, giá cả càng tăng, người dân có nhu cầu ở thực càng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Trong khi việc thúc đẩy, tạo điều kiện người dân sở hữu nhà ở là mục tiêu quan trọng đảm bảo an sinh xã hội” - ông Điệp nói.

Nhấn mạnh nguồn cung khan hiếm thì giá cao, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói rằng muốn điều chỉnh giá thì phải tăng nguồn cung. Để thực hiện tăng nguồn cung BĐS, thì việc tiếp cận vốn rất quan trọng. Vị này cũng nhìn nhận thị trường BĐS có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, việc siết chặt tín dụng đối với BĐS có thể dẫn đến các hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi đó, mục đích của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng BĐS. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp BĐS làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật.

Ông Thịnh cho rằng không nên “siết” chung mà cần “nắn” dòng vốn để sử dụng đúng mục đích. "Nếu doanh nghiệp BĐS có hoạt động đầu tư, biến một mảnh đất trống thành khu vực có hạ tầng, có công trình, phát triển thành các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, tạo ra sự giàu mạnh cho đất nước, cần phải được khuyến khích” - vị này nhấn mạnh thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn