MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện gió Bạc Liêu thật sự làm thay đổi một vùng đất bãi bồi ven biển ĐBSCL. Ảnh: Nhật Hồ

Nắng, gió đồng bằng

NHẬT HỒ LDO | 01/05/2020 13:56
Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) đầy nắng và gió. Nắng làm khô những mảnh ruộng, vườn rau của người nông dân; gió làm những cột sóng dâng cao đem đến sạt lở nghiêm trọng ở miền ven biển, làm giật mình khi cơn bão đe dọa đổ bộ vào đất liền. Và trong cái nắng, cái gió ấy ẩn chứa những giá trị vô giá từ thiên nhiên.

Gió bay bay hóa thành dòng điện

Gió hung hãn, quái ác cuốn phăng những chiếc tàu đánh cá bay lên bờ; lùa những ngôi nhà ven biển, cuốn đi từng cọng rau con cá của người dân hồi cơn bão số 5 năm 1997. Gió làm cho con nước dâng cao ngập cả cánh đồng. Gió đem nước biển ùa sâu trong nội đồng gây hoang mang cho biết bao nông dân. Và gió ở mảnh đất đất đồng bằng này thăng hoa thành năng lượng. Người ta gọi đó là điện gió. Tôi lại thấy “cánh đồng gió” hiển hiện tại những miền ven biển đồng bằng này.

Dọc theo bãi bồi ven biển, từ Trà Vinh cho đến Mũi Cà Mau những dự án điện gió đang được hình thành. Những dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời từ nắng và gió đã được triển khai. Cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu khởi công Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 có công suất lên tới 142MW, có tổng mức đầu tư 8.229 tỉ đồng bên cạnh Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã hoạt động nhiều năm nay.

Hàng loạt các dự án Điện gió cũng được Bạc Liêu cấp phép đầu tư tại vùng ven biển. Đó là dự án Điện gió Hòa Bình 1 do Cty Phương Anh đầu tư có tổng công suất 300MW, có vốn đầu tư trên 15.940 tỉ đồng; Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 do Cty Đông Á - Vatenergy đầu tư có công suất 250MW vốn đầu tư 13.000 tỉ đồng; Nhà máy Điện gió Đông Hải 2, do Cty UIVN (Nhật Bản) đầu tư có công suất 250MW với tổng số vốn trên 13.700 tỉ đồng; Nhà máy Điện gió Đông Hải 3 do Cty Ecotech Việt Nam liên doanh với Tập đoàn General Electric Hòa Kỳ đầu tư có công suất 388MW với tổng số đầu tư trên 20.000 tỉ đồng…

Tại nơi “miền cuối đất” điện gió Khai Long cũng triển khai. Hàng loạt những dự án điện gió nơi “mảnh đất tận cùng” đã được quy hoạch. Có người tính toán, nếu cộng tất cả công suất thiết kế của các nhà máy điện gió tại đồng bằng sẽ gấp 15 lần Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Các nhà máy điện gió cùng với Nhà máy Điện Cà Mau cung cấp trên 50% nhu cầu điện của quốc gia.

Mảnh đất ĐBSCL từ nơi triền miên thiếu điện, sau 45 năm giải phóng, vùng đất này trở thành nơi cung cấp năng lượng cho cả nước. Điều mà cách đây 20 năm không ai dám nghĩ tới. Vậy mà nay nó đã và đang dần hình thành và hiện lên rõ ràng.

Dịu dàng trong nắng

Nắng Bạc Liêu không quá gay gắt nhưng nó đủ làm sạm màu da, làm nước bốc hơi rất nhanh. Nắng đồng bằng vào mùa khô khiến người ta sợ cháy rừng, khô ruộng đồng, nhưng cũng nhanh chóng kết tinh những nước thành những hạt muối lóng lánh.

Tuy vậy, hạt nắng đồng bằng đã dịu dàng khi mà những doanh nghiệp đã vào đây chuyển nắng thành dòng điện. Đó là những nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất nước đang được hình thành. Đó là những Nhà máy điện mặt trời trên mái nhà khu nuôi tôm siêu thâm canh do Tập đoàn Sembcorp Singapore kết hợp với Tập đoàn Việt Úc đầu tư tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu có tổng công suất lên đến 250MW với mức vốn đầu tư lên đến trên 6.000 tỉ đồng; Nhà máy điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản tại Thành phố Bạc Liêu; Điện mặt trời kết hợp NTTS tại huyện Đông Hải do Tập đoàn SY Hàn Quốc đầu tư với tổng công suất lên đến 600MW vốn đầu tư trên 16.000 tỉ đồng.

Che nắng để lấy nguồn tái tạo thành dòng điện, dưới mặt nước nuôi tôm. Đây là mô hình mới tại Bạc Liêu được triển khai ngay trong năm 2018 này.

Gió, nước, nắng thật sự không còn là nỗi ám ảnh của người dân đồng bằng. Nó thật sự tạo ra dòng điện khổng lồ tại mảnh đất này. Trong nắng, gió đồng bằng giờ đã chuyển mình từ nắng, gió. Hóa ra thiên nhiên không tự nhiên lấy của ta những gì mà không trả lại.

ĐBSCL, hay còn gọi một cách chân tình là miền Tây, bây giờ không chỉ biết đến là vựa lúa, vựa cây ăn trái, vựa cá với những con người hào sảng. Nơi đây đang hình thành những trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Năng lượng để đất nước lớn lên. Năng lượng để tiếp bước con đường mà thuở nào cha, ông ta mang gươm đi mở cõi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn