MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năng lượng tái tạo không lấy mất việc làm của năng lượng truyền thống

Anh Tuấn LDO | 20/04/2021 17:41
Phát biểu tại diễn đàn: "Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam" diễn ra ngày 20.4 do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo không lấy mất việc làm của năng lượng truyền thống.

Với 6 tham luận và 30 phút thảo luận, các chuyên gia từ nhiều bộ, ban, ngành và các tổ chức phi Chính phủ hoạt động về năng lượng xanh đều nhìn thấy những biến đổi rất nhanh của thị trường điện mặt trời. Song, bên cạnh những thuận lợi trong phát triển năng lượng sạch thì Việt Nam còn nhiều thách thức trong chuyển dịch năng lượng bền vững.

Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - cho rằng, trong "cuộc chơi" chuyển dịch năng lượng tái tạo, chúng ta không làm chủ được về công nghệ, vốn thì phải huy động.

"Cái chúng ta có là gì? Cái duy nhất chúng ta có là công cụ chính sách để thu hút dòng vốn, hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh như các doanh nghiệp có vốn FDI đã từng được ta hỗ trợ trước đây.

Bà Nguỵ Thị Khanh phát biểu tại hội thảo về Năng lượng tái tạo. Ảnh: C.N

Nếu không dùng thế mạnh đó thật tốt, sẽ thấy nhiều rào cản, dù những lợi ích đã hiển hiện ngay trước mắt" - bà Khanh nói và cho biết, phát triển năng lượng tái tạo không lấy mất việc làm của năng lượng truyền thống, mà còn tạo cơ hội để tận dụng nguồn dân số trẻ, dân số vàng hiện nay.

Năng lượng tái tạo - cần cuộc chơi lớn

PGS.TS Bùi Quanh Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, muốn nắm bắt kịp thời những tín hiệu rất nhanh, rất rõ ràng của thị trường năng lượng tái tạo, ta phải chơi những cuộc chơi lớn.

"Trước đây có thể đánh du kích nhưng bây giờ không thể nữa. Phải dám chơi tử tế, dám đi xa. Tư duy vươn ra biển, hội nhập sâu rộng, tư duy chơi lớn. Nếu doanh nghiệp chúng ta nhỏ mà biết liên kết tốt thì sẽ tạo ra mạng lưới để cùng nhau đi xa" - PGS.TS Bùi Quanh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương - kiến nghị, cần giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường và có các chế tài đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định, phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép.

Đồng thời nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng, tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.

Theo ông Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 1.4.2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của EVN có nhiều nội dung liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TS Đinh Thế Phúc. Ảnh: C.N

Có thể kể đến như đầu tư phát triển hệ thống điện phải đảm bảo đồng bộ và hợp lý từ sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; tiếp cận công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn, tin cậy, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng như các chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: Vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn