MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây chè Shan tuyết Tủa Chùa là một trong những cây đặc sản tại Điện Biên bị ảnh hưởng nặng về năng suất và chất lượng. Ảnh: Văn Thành Chương

Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nông sản tại Điện Biên

NHÓM PV LDO | 22/05/2024 18:14

Đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 vừa qua đã khiến cho hàng loạt cây nông sản, đặc sản tại Điện Biên bị ảnh hưởng nặng nề đến năng suất và chất lượng.

Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài và không có mưa đã khiến cho hầu hết các cây nông nghiệp tại Điện Biên bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Trong đó có nhiều loại cây đặc sản như chè, cà phê, hay mắc ca cũng bị ảnh hưởng từ 30 - 70% năng suất.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Mỹ Linh - Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), đơn vị thu mua và chế biến sản lượng chè chủ yếu trên địa bàn huyện Tủa Chùa cho biết, sản lượng chè búp năm nay chỉ đạt khoảng gần 1/3 so với năm 2023.

Nếu như những năm trước, gần 4.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn cho thu hoạch khoảng 25-30 tấn chè búp tươi thì năm nay chỉ cho khoảng 7-8 tấn.

Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có gần 4.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó có 100 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Mỹ Linh

"Trong khi chè khan hiếm, thương lái nước ngoài đã vào thu mua và đẩy giá chè búp tươi lên đến gần 200 nghìn/kg, trong khi những năm trước thì chỉ dao động từ 90-120 nghìn/kg" - bà Linh cho hay.

Do không thể cạnh tranh với thương lái nước ngoài nên hiện tại Công ty TNHH Hương Linh cũng không có sản phẩm để cung cấp cho những đối tác là khách hàng quen thuộc. Trong khi những năm trước, mỗi năm, công ty này cung cấp ra thị trường từ 2,5-3 tấn chè thương phẩm - tương đương với 15-18 tấn chè búp tươi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cũng xác nhận, do nắng nóng kéo dài nên sản lượng chè vụ Xuân bị ảnh hưởng khá lớn, chỉ có một ít sản lượng người dân thu hái được thì thương lái nước ngoài đã mua hết.

Cây cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt nắng nóng kéo dài. Ảnh: Văn Thành Chương

"Sau mấy trận mưa từ đầu tháng 5 thì hiện nay, cây chè đã bắt đầu đơm búp, hi vọng đến khoảng tháng 8, tháng 9 vào vụ chè Thu sẽ có thêm sản lượng để duy trì nguồn sản xuất và cung cấp ra thị trường" - ông Tuân cho hay.

Tương tự như cây chè Shan tuyết, cây cà phê và cây mắc ca tại Điện Biên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do nắng nóng và không có mưa trong một thời gian dài, đúng dịp cây cà phê ra hoa và cây mắc ca đậu quả nên đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng.

Ông Tạ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đang có khoảng 2.100ha diện tích cà phê Arabica, đó là cây thế mạnh chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, khi cây cà phê ra hoa 2-3 đợt đầu thì đều rụng hết do thiếu nước.

"Hiện nay, cà phê lại đang tiếp tục ra hoa thêm 1 đợt nữa và có dấu hiệu đậu quả, hi vọng sẽ với vát được chút năng suất cho người dân trồng cà phê" - ông Tạ Mạnh Cường cho hay.

Cây mắc ca bị ảnh hưởng khoảng trên 40% năng suất do nắng nóng. Ảnh: Thanh Bình

Tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cũng có một diện tích lớn trồng cây cà phê Arabica, tuy nhiên, do ở vị trí địa lý cao hơn nên cây cà phê tại đây ra hoa muộn hơn và không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt nắng nóng. Do vậy năng suất chỉ bị ảnh hưởng khoảng 20%.

Mặc dù cây cà phê không bị ảnh hưởng nhiều nhưng cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo lại bị ảnh khá lớn, trong khi Tuần Giáo được coi là "thủ phủ" của cây mắc ca tại Điện Biên với diện tích khoảng 2.500ha.

Bà Phạm Thị Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, khi cây mắc ca đậu quả thì gặp đợt nắng nóng kéo dài nên lượng quả bị rụng là khá lớn do thiếu nước. "Theo ước tính, năng suất cây mắc ca năm nay có thể bị thiệt hại khoảng trên 40%".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn