MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năng suất lao động quyết định phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Đ.T

Năng suất lao động quyết định phát triển của nền kinh tế

Minh Hạnh LDO | 24/01/2018 14:48
Tại hội thảo về “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) -  Vũ Tiến Lộc cho rằng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất là nhiệm vụ trọng yếu, trong đó vấn đề nâng cao năng suất được xác định là nội dung có tính quyết định của việc phát triển nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), hiện năng suất lao động của Việt Nam đã có cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Nhưng mức năng suất lao động của VN vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và mức chênh lệch về năng suất lao động giữa VN và các nước vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Mặc dù được đánh giá là quốc gia có năng lực cạnh tranh tăng lên, nhưng năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ tương đương 87% của Lào.

Cùng với đó, thương hiệu gạo của Việt Nam đang thua thương hiệu gạo của Campuchia, mặc dù đây là hai nước kém phát triển trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương của năm 2011, hiện năng suất lao động của VN năm 2016 đạt 9.894 USD. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đang được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Theo đó, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất là nhiệm vụ trọng yếu, vấn đề nâng cao năng suất được xác định là nội dung có tính quyết định của việc phát triển nền kinh tế Việt Nam. 

Theo TS. Vũ Tiến Lộc có nhiều cách tiếp cận khác nhau về năng lực cạnh tranh như: Thương hiệu, thị phần, năng suất, mức sống, chất lượng thể chế... Qua nghiên cứu của VCCI, năng lực cạnh tranh thông qua năng suất đang được sử dụng phổ biến. Bởi năng suất là yếu tố động lực cốt lõi thể hiện sự khác biệt về năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia. Theo đó, cần phải có những hành động quyết liệt về cải cách luật pháp và cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, tái cấu trúc DNNN và chuyển dịch các hoạt động trong nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Đây là yếu tố then chốt vì 40% GDP vẫn trong khu vực nông nghiệp, 60% lao động trong khu vực này, nếu chuyển dịch được là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng cao năng suất. Đồng thời nâng cao năng lực quản trị cho các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn