MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên điều chỉnh giá điện từng bước để đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế

Anh Tuấn LDO | 10/04/2023 14:37

Phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được lưu ý phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới, đánh giá kỹ tác động để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Cần lộ trình tăng giá điện phù hợp

"Bộ Công Thương được giao hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trình Chính phủ" - nội dung này được Chính phủ nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3.

Phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được lưu ý phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới, đánh giá kỹ tác động để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Việc điều chỉnh này sẽ là cơ sở để tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất. Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận số lỗ kỷ lục gần 36.300 tỉ đồng năm 2022 từ sản xuất điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỉ đồng.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được cho là cần thiết để ngành điện tránh lỗ, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để tránh gây "sốc" cho người dân và các đơn vị sử dụng nhiều điện, các chuyên gia cho rằng, cần chia thành nhiều đợt khác nhau.

TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng và lạm phát.

Theo tính toán, giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho lạm phát tăng thêm 0,4 - 0,5%. Do vậy, cần phải tính toán kỹ lưỡng để tác động ngược của việc điều chỉnh giá điện, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp chịu tác động mạnh của điều chỉnh lần này.

"Tăng giá điện cần có lộ trình phù hợp, tăng từng bước, từng thời gian cụ thể đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế, đồng thời giữ an toàn tài chính cho ngành điện", ông nói và cho biết, ngoài giải pháp tăng giá điện, cần gỡ nút thắt mua điện từ các nguồn điện sạch đang chờ đàm phán giá, không để xảy ra tình trạng hàng nghìn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục "đắp chiếu".

Các kịch bản tăng giá điện

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện, hiện các đơn vị có liên quan đã tính toán phương án giá bán điện năm 2023. 

Theo đó, phương án giá bán điện năm 2023 sẽ là 2.162 đồng/kWh (tăng 15,9%) đến 2.243 đồng/kWh (tăng 20,3%) - nếu tính đủ tỉ suất lợi nhuận là 3% và các khoản chênh lệch tỉ giá của các đơn vị phát điện năm 2019-2022.

Nếu được phép tính cả khoản lỗ năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân là 2.357 đồng/kWh (tăng 26.2%) so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. 

Giá điện có thể tăng tới  2.357 đồng/kWh (tăng 26.2%) so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào, gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN. 

Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân chưa được tăng, trong khi chi phí mua điện tăng cao do giá nhiên liệu cho phát điện tăng rất cao và EVN phải huy động tăng các nguồn điện đắt tiền để đảm bảo nhu cầu phụ tải.

Khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện. Và do đó, ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Theo tính toán, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh, thì dự kiến tháng 6.2023, EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỉ đồng và đến tháng 12.2023 sẽ thiếu hụt 27.779 tỉ đồng.

Trước đó, cuối tháng 3, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm ngoái tăng 9,27% so với 2021 (mức tăng này, theo Quyết định 24, việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương).

Việc giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh từ tháng 3.2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn