MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nền kinh tế Đức đã phải đối mặt với một số thách thức. Ảnh: Một công trường xây dựng ở thủ đô Berlin. Nguồn: Xinhua

Nền kinh tế Đức lung lay vị thế cường quốc xuất khẩu

Quý An (theo AP) LDO | 31/07/2023 11:46

Từng là cường quốc xuất khẩu của thế giới, nền kinh tế Đức hiện đang có dấu hiệu bị chững lại.

Qua các số liệu cuối tuần qua, nền kinh tế Đức vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Cường quốc công nghiệp phải vật lộn với giá năng lượng cao, chi phí vay tăng và sự phục hồi chậm chạp từ một số đối tác thương mại.

Sản lượng kinh tế ở Đức bị đình trệ trong quý II/2023. Trước đó, sản lượng đã ghi nhận mức giảm 0,1% trong quý I/2023 và giảm 0,4% trong ba tháng cuối năm 2022 khi cú sốc năng lượng từ xung đột ở Ukraine bắt đầu lan rộng khắp châu Âu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên phạm vi toàn cầu bị thu hẹp trong năm nay bất chấp khó khăn chung của các nước trên thế giới.

Nền kinh tế Đức đã phải đối mặt với một số thách thức. Trên hết, sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt tự nhiên của Nga để làm nhiên liệu cho ngành công nghiệp đã ảnh hưởng nặng nề đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như kim loại, thủy tinh, ôtô và phân bón.

Lãi suất cao hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đè nặng lên các dự án xây dựng phải đi vay. Trong khi đó, sự phục hồi ở Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Đức - đã không như kỳ vọng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, kết quả kinh tế trong quý hai “còn lâu mới đạt yêu cầu”.

Ông Habeck kêu từng đề xuất chính phủ Đức trợ giá năng lượng và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ định hướng tương lai như năng lượng tái tạo.

Ông nói: “Những gì Đức cần là một động lực thúc đẩy có mục tiêu cho đầu tư. Bên cạnh đó, cần thời gian phục hồi cho ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng”.

Các yếu tố khác như dân số già, công nghệ có phần chưa bắt kịp với xu thế đã cản trở các hoạt động kinh doanh và các dự án xây dựng công. Tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao cũng đè nặng lên nền kinh tế Đức.

Tuy nhiên, tình hình ở Đức không quá giống với một cuộc suy thoái kinh tế. Số lượng việc làm ở quốc gia này vẫn dồi dào. Tỉ lệ thất nghiệp chỉ là 2,9% trong tháng 5.2023, thấp hơn nhiều so với mức 6,5% của khu vực đồng euro. Đây là một trong những tỉ lệ thấp nhất được ghi nhận.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng về EU tại ING, đã mô tả tình hình của Đức là một “sự suy thoái chậm chạp” với nền kinh tế “mắc kẹt trong vùng tranh tối tranh sáng giữa trì trệ và suy thoái”. Dữ liệu gần đây “không phải là tín hiệu tốt cho hoạt động kinh tế trong những tháng tới".

“Trên thực tế, sức mua yếu, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp ít đi, cũng như tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ và sự suy giảm dự kiến của nền kinh tế Mỹ là những yếu tố chính ảnh hưởng” - Brzeski lưu ý.

Những khó khăn của Đức đang gợi nhớ đến câu chuyện cuối những năm 1990. Khi đó, chi phí lao động cao đã kìm hãm khả năng cạnh tranh của kinh tế nước này. Một loạt cải cách thị trường lao động dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder vào giai đoạn 2003-2004 đã khôi phục tăng trưởng kinh tế và vị thế của Đức như một cường quốc xuất khẩu máy móc và phương tiện công nghiệp cho phần còn lại của thế giới.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức là 290 tỉ USD. Thước đo ngoại thương này từng được đánh giá cao nhất thế giới vào năm 2019. Con số này vẫn ở mức trên 7% GDP trong 6 năm liên tiếp nhưng đã giảm xuống 4,2% vào năm ngoái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn