MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức mua hàng hoá của người dân trong những tháng đầu năm 2020 đã tăng lên rõ rệt. Ảnh: Khánh Vũ

Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi

Phong Nguyễn LDO | 05/06/2020 08:34
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6.2020, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: Sau giãn cách xã hội, tháng 5.2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11% so với tháng 4; doanh số bán lẻ và hoạt động chế tạo chế biến trong nước tăng khoảng 10%; tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế đạt khoảng 10%... Những số liệu này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đang giảm. 

Nhiều doanh nghiệp bị “tê liệt” đã hoạt động trở lại

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5.2020, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới trong đạt 10.728 DN với số vốn đăng ký là 112.720 tỉ đồng, tăng 0,3% về số DN so với cùng kỳ năm 2019.

So sánh với tháng 4.2020 thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, số DN đăng ký thành lập mới tăng 36,1%; số vốn đăng ký tăng 20,1%. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 5.2020 là 91.455 người, tăng 27,0% so với tháng 4.2020 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ở mức khoảng 10% (so cùng kỳ năm trước), tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế hiện đã cao hơn khoảng 3 lần so với tăng trưởng GDP trong 4 tháng đầu năm 2020. Chỉ số IPP tăng 11%; doanh số bán lẻ và chế tạo chế biến tăng 10%... cho thấy nền kinh tế đã khởi sắc trở lại từ tháng 5.2020, khi các DN bắt đầu ổn định sản xuất, hoạt động giao thương bình thường trở lại. 

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lý Thái Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc, cho biết: “Trong tháng 5 và tháng 6 này, DN của chúng tôi chuẩn bị xuất khẩu 3.000 tấn gạo đi Đài Loan. Dù chưa cập nhật chính thức, nhưng doanh số tháng 5 của DN tôi vẫn ổn định” - doanh nhân Lý Thái Hưng nêu ý kiến.

Ông Vũ Tuấn Anh - CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Giấy in nhiệt Athena Việt Nam, cũng cho hay: “DN chúng tôi sản xuất giấy in nhiệt, do dịch COVID-19, doanh thu tháng 4 của chúng tôi là 0% bởi doanh thu của chúng tôi phụ thuộc vào hệ thống F&B (Food and business-PV). Từ tháng 5 các chỉ số đã tốt hơn khi hệ thống nhà hàng mở cửa trở lại” - CEO Vũ Tuấn Anh chia sẻ. 

“Sức đề kháng” còn yếu, nhiều DN cần hỗ trợ

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), với các số liệu hiện nay, kinh tế chỉ được gọi là khởi sắc nếu so sánh với tháng 4.2020 - là tháng cách ly toàn xã hội. Còn nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế vẫn đang suy giảm.

Dù đánh giá về những tín hiệu hồi phục kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả hơn, tuy nhiên, từ những số liệu phân tích của WB, ông Lý Thái Hưng cũng đưa ra ý kiến, dù đại dịch COVID-19 đã được khống chế ở Việt Nam, nhưng hiện tại trên thế giới nhiều quốc gia đang phải đương đầu chống chọi với dịch bệnh này, nền kinh tế của các quốc gia có dịch đang tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta. 

“Một số ngành như thiết bị y tế, chế biến thực phẩm có thể ổn định, thậm chí tăng trưởng sản xuất, nhưng nhiều ngành, trong đó có ngành dệt may, ngành hàng bông-xơ-sợi, da giày… vẫn đang bị tác động tiêu cực, bởi nhiều nước trên thế giới đang có dịch, hoạt động xuất nhập khẩu chưa khởi sắc trở lại. Do đó, những ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hay thị trường tiêu thụ nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn, dù nước ta đã qua dịch bệnh” - ông Lý Thái Hưng nói.

Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, thẳng thắn bày tỏ: Doanh thu của Tập đoàn trong tháng 5 vẫn chưa được cải thiện và giảm quá sâu so với thời điểm trước dịch. Các DN đã bắt đầu ngấm đòn COVID-19. Cứ nhìn tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng sẽ biết được tình hình doanh nghiệp. Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh, nhưng COVID-19 vẫn đang phức tạp tại Châu Âu và nhiều nước trên thế giới, xuất khẩu giảm, giao thương đình trệ.

“Cứ nói nhiều DN dệt may xuất khẩu được khẩu trang trong thời kỳ trước và dịch bệnh, nhưng cứ thử so sánh: Thay cho xuất khẩu thời trang quần áo chất lượng cao, hàng giày gia cao cấp với giá trị kinh tế cao, nay DN phải xuất khẩu khẩu trang với “tiền vụn”, thì có thể hình dung DN đang khó khăn như thế nào. Chúng tôi làm trong lĩnh vực thực phẩm còn bị ảnh hưởng, đến ăn uống người tiêu dùng còn cắt giảm, thì các lĩnh vực khác sẽ càng bị thắt chặt hơn” - ông Võ Việt Dũng nói. 

Chia sẻ với PV Lao Động, hàng loạt DN như Co.op Mart Hà Nội, Central Retail, BRG… đều cho biết, doanh thu của DN đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. 

TS Nguyễn Đức Độ cũng dự báo, sang năm 2021, khi kinh tế phục hồi, giá dầu có thể tăng mạnh, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn. Mức tăng cung tiền cao từ những năm trước cũng có thể gây áp lực lên giá cả.

“Về những việc cần làm, các giải pháp cần ban hành đã có tương đối đầy đủ. Nếu kinh tế suy giảm mạnh thì có thể tăng liều lượng của chính sách tài khóa như tăng hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên vấn đề là Quốc hội và Chính phủ chấp nhận nợ công tăng đến mức nào” - TS Nguyễn Đức Độ nói.

Phân tích của WB cho thấy, tổng thu ngân sách của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Giảm thu lớn nhất được ghi nhận cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, ở mức lần lượt 9,3% và 7,3%. Do suy giảm trong hoạt động xuất nhập khẩu, số thu từ thuế liên quan đến xuất nhập khẩu giảm 19% (so cùng kỳ năm trước). Thu nội địa còn giảm mạnh hơn vào tháng 4, khi thu ngân sách nhà nước giảm gần 25% so với tháng trước, chỉ bằng 65% so với tháng 4.2019. Tổng cục Thuế đã nhận được 90.000 đơn xin giãn nộp thuế và tiền sử dụng đất, với tổng giá trị lên đến 26,2 nghìn tỉ đồng.

* Mặc dù Ngân hàng Thế giới khuyến nghị khả năng lạm phát bởi chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng nhằm ứng phó khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19, nhưng về lạm phát, trong năm nay chưa đáng lo vì  kinh tế suy giảm nên áp lực của cầu trong nước tới giá cả thấp. Hơn nữa, kinh tế thế giới cũng suy giảm nên giá dầu khó tăng mạnh. Ngoài ra, mức tăng tín dụng những tháng đầu năm cũng thấp. (TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính)

* Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng khoảng 5% trong tháng 5 so với tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn 5,5% với cùng kỳ năm trước, do sức cầu bên ngoài yếu đi và có thể do một số gián đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động chủ chốt của Việt Nam như may mặc và giày da giảm 14% và 5% (so cùng kỳ năm trước) trong khi các mặt hàng xuất khẩu công nghệ, như điện thoại thông minh, giảm 9% (so cùng kỳ năm trước).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn