MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nên nắm giữ cổ phiếu có cơ bản tốt khi VN-Index giằng co cuối tháng 9

Minh An LDO | 27/09/2021 14:09

Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9 (27.9 đến 1.10), thị trường chứng khoán sẽ đón nhận nhiều thông tin kinh tế vĩ mô được dự báo không mấy sáng sủa. Nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng quan sát phản ứng của thị trường, giữ tỉ trọng ở mức cân bằng, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt, đang thu hút được dòng tiền mạnh.

Có sự suy giảm nhưng cấu trúc nền kinh tế không thay đổi

Tổng cục Thống kê sẽ công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và quý III/2021 vào ngày 29.9 tới gồm có GDP, CPI, sản xuất công nghiệp hay doanh số bán lẻ, xuất nhập khẩu. Do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, số liệu kinh tế được kỳ vọng sẽ không khả quan.

Tiến sĩ Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê - cho biết kể từ tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp đã bắt đầu giảm mạnh và giảm liên tiếp trong 3 tháng. 

Hai tháng 7 và 8 chỉ số sản xuất công nghiệp âm, trong đó tháng 8 âm đến trên 7%. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất hiện nay. Mặc dù chưa có con số chính thức về GDP quý III và 9 tháng, nhưng ông Thúy cho rằng quý III là quý sụt giảm nhất từ trước đến nay. Việc tăng trưởng GDP thấp hoặc suy giảm là có thể xảy ra.

Ông Bùi Tiến Đức, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý III chạm đáy có khi là tích cực chứ không phải tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Bởi vì thị trường chứng khoán mua bán dựa trên kỳ vọng của tương lai chứ không phải kỳ vọng vào quá khứ. Do vậy khi thông tin xấu đã ra hết rồi, không còn gì xấu hơn nữa thì thị trường sẽ thoát khỏi trạng thái dùng dằng để bứt phá.

Còn ông Huỳnh Tuấn, Công ty Chứng khoán MiraeAsset Việt Nam nhận định kinh tế vĩ mô suy giảm trong quý III không phải là sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế.

Từ 1.10 các hoạt động kinh tế cũng sẽ mở cửa trở lại. Lần mở cửa này khác biệt hoàn toàn với 3 làn sóng dịch trước. Thứ nhất, tỉ lệ phủ vaccine ở các thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước đã tương đối cao.

Thứ hai, năng lực điều trị của hệ thống y tế đã tăng lên và đã có thuốc đặc trị COVID-19.

Thứ 3, chiến lược chống dịch lần này đã chuyển từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn với COVID-19. Nghĩa là, các hoạt động kinh tế sẽ không “tắt - bật” liên tục như các đợt trước mà vận hành liên tục. Dự báo, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ như lò xo bị nén sau nhiều tháng giãn cách.

Gói kích thích kinh tế và hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo sóng ngắn hạn

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời để 30.9, các địa phương tùy tình hình cụ thể, quyết định việc chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Để tiếp “oxy” cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, Quốc hội vừa gợi ý gói kích thích hỗ trợ lãi suất tương tự gói “cấp bù lãi suất” giải ngân qua hệ thống ngân hàng năm 2009. 

FiinGroup nhận định gói hỗ trợ lãi suất sẽ hỗ trợ không chỉ tâm lý mà còn giúp các doanh nghiệp hồi phục, cải thiện nền tảng cơ bản và hỗ trợ phát triển kinh tế. Đây là một tin tốt với thị trường về cả ngắn và dài hạn.

Sau nhiều tuần dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thì từ giữa tuần trước (22.9) cho đến kết thúc phiên giao dịch sáng nay (27.9), nhóm cổ phiếu này đã liên tục giảm sàn. Dòng tiền tìm kiếm cơ hội tại nhóm vốn hóa lớn và VN30.

Với việc nới room tín dụng cho ngân hàng được Thống đốc xác nhận, nhóm cổ phiếu Ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục có động lực để tăng. Ngoài ra, nhóm Bảo hiểm có sự hỗ trợ bởi câu chuyện room ngoại không bị hạn chế cũng sẽ được kỳ vọng khởi sắc. Cuối cùng, hiệu ứng chốt NAV cuối quý có thể hỗ trợ các cổ phiếu trụ tăng điểm, giúp lan tỏa thị trường.

Công ty Chứng khóa Phú Hưng nhận định thị trường đang ở trạng thái giằng co và chưa rõ xu hướng. Do đó, nhà đầu tư có thể giữ tỉ trọng ở mức cân bằng, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt, đang thu hút được dòng tiền mạnh.

Nhìn lại thị trường vài tuần gần đây có thể thấy VN-Index vẫn đang dao động trong vùng 1.350 (+/- 20 điểm). Dòng tiền vẫn đang tương đối hạn chế và thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện nào. Mặc dù Chính phủ vẫn luôn thể hiện quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021 nhưng tâm lý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường vẫn khá dè dặt trong việc giải ngân, nhất là trong giai đoạn “trống vắng” thông tin như hiện tại. 

Trong giai đoạn này, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị chiến lược đầu tư thích hợp sẽ là giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn trong biên độ hẹp với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư trong trường hợp thị trường bất ngờ xuất hiện xu hướng mới và biến động vượt ngoài kỳ vọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn