MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong quý I năm 2020, tổng sản lượng xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng gần 100% nhu cầu xăng dầu nội địa. Ảnh: BSR

Nên ngừng hay tiếp tục nhập xăng dầu: Cần cân đối và hợp lý

Duy Thiên LDO | 12/04/2020 22:31

Đề xuất tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang gây nên nhiều phản ứng trái chiều. Giải pháp nào vừa đảm bảo hỗ trợ tối đa các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu, lại vừa phải đảm bảo quyền lợi của đa phần còn lại của nền kinh tế cần được tính toán sao cho kịp thời và hợp lý.

Khi PVN đề xuất ngừng nhập khẩu xăng dầu với lý do đại dịch COVID-19 khiến thị trường trong nước thu hẹp bởi nhu cầu vận chuyển, sản xuất đều đình trệ, sản lượng kinh doanh xăng dầu trong cả nước đang sụt giảm mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài. Lượng xăng dầu tồn kho ở mức rất cao, một số thời điểm lên tới trên 90%.

Sức cạnh tranh càng lớn hơn khi thị trường xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, lượng hàng nhập được PVN dẫn lại từ số liệu của Tổng cục Hải quan trong 3 tháng đầu năm 2020 là khoảng 1,85 triệu tấn, chiếm 61,67% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước ở thời điểm hiện nay.

Nhiều chuyên gia về năng lượng, tài chính như Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia có quan điểm ủng hộ chủ trương tạm thời không nhập khẩu xăng dầu do lượng hàng trong nước tồn đọng nhiều… Nếu có nhập khẩu thì nên bắt đầu vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 khi hàng trong nước đã tiêu thụ giảm.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia về giá như PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, PVN nếu muốn tiêu thụ hết hàng tồn thì cũng có thể tham gia cạnh tranh, hạ giá thành (ít nhất phải tương đồng với giá nhập khẩu xăng dầu), để các doanh nghiệp khác tự nguyện tiêu thụ hàng trong nước.

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần khá lớn cho rằng trong tình hình dịch bệnh, việc cùng nhau vượt qua khủng hoảng là điều rất nên làm. Tuy nhiên, việc ngừng nhập khẩu phải được Nhà nước xem xét kỹ lưỡng, tính toán, cân đối đầy đủ lợi ích giữa các bên. 

“Doanh nghiệp tôi kinh doanh những mặt hàng mà trong nước chưa sản xuất được, ví dụ như Euro 5, dầu mazut đốt lò… Thực tế, xăng dầu sản xuất trong nước đều được tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thường mua trong nước thiếu mới phải đi nhập khẩu. Tùy từng thời điểm khác nhau, nhưng trung bình sản lượng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60 – 70% nhu cầu nội địa, chưa kể những mặt hàng chưa sản xuất được” – vị lãnh đạo này cho biết.  

Việc tiếp tục cho nhập hay ngừng nhập trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 khó phán đoán, lượng hàng trong nước còn quá nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, trong trường hợp thua lỗ sẽ trực tiếp làm giảm khả năng đóng góp cho nền kinh tế là một bài toán cấp bách.

Đại diện PVN cho rằng giá bán xăng dầu trong nước hiện nay đã liên thông với thế giới, nghĩa là “việc hạn chế nhập hay dừng nhập cũng không ảnh hưởng đến giá bán cho người dân, giá thế giới thấp thì người dân cũng được mua giá thấp”.

Song rõ ràng, muốn giải quyết tranh luận này, cần có những tính toán cụ thể giải bài toán lợi ích để làm sao cuối cùng quyền lợi doanh nghiệp sản xuất – doanh nghiệp tiêu thụ - và cả người dân cùng được hài hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn