MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần cẩn trọng trong thỏa thuận nhượng quyền. Ảnh minh họa: Trà My

Nên sáng suốt với việc nhận nhượng quyền thương hiệu

Quý An LDO | 06/10/2023 14:39

Bỏ tiền tỉ để đầu tư mở quán rồi ngồi thu tiền lẻ. Nhượng quyền thương hiệu đang là câu chuyện nóng thời gian qua trong giới kinh doanh.

Nhượng quyền thương hiệu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực, kinh nghiệm và uy tín của thương hiệu lớn. Từ đó mở rộng kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Về phía thương hiệu lớn, nhượng quyền giúp mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận mà không tốn nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, phân tích dưới góc độ pháp lý và kinh tế, có điều khoản mà bên nhận nhượng quyền cần lưu ý để tránh mâu thuẫn, xung đột về sau.

Cẩn trọng với những điều khoản “trói”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại năm 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại. Theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện: về việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Ngoài ra, bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Luật sư Đô phân tích, thông thường, bên nhận nhượng quyền buộc phải chấp nhận bên nhượng quyền kiểm soát chặt chẽ về các yếu tố như quy trình sản xuất sản phẩm, chất lượng sản phẩm, nhập nguyên liệu từ công ty nhượng quyền phân phối.

Tuy nhiên vị chuyên gia pháp lý khuyến nghị, trước khi quyết định, nhà đầu tư nên bỏ thời gian đọc kỹ hợp đồng nhượng quyền. Nếu phát hiện ra dấu hiệu bất lợi về sau này, nên gặp trực tiếp với doanh nghiệp để thỏa thuận lại các điều khoản. Nếu không nhận được giải thích rõ ràng hoặc bên nhượng quyền khăng khăng giữ nguyên điều khoản, rủi ro khi nhận nhượng quyền sẽ cao hơn về sau.

Bên cạnh đó, bên nhượng quyền thường muốn có quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng trong trường hợp bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được một số các yếu tố đặt ra.

“Tôi cho rằng, đây là điều khoản gây khó dễ nhất trong hợp đồng. Bởi lẽ việc kinh doanh sẽ có rất nhiều yếu tố phát sinh. Thậm chí, bên nhượng quyền có thể cầm đằng chuôi chèn ép bên nhận nhượng quyền về chi phí nguyên vật liệu, giá niêm yết, khoảng cách giữa các cửa hàng… kéo theo nguy cơ làm bên nhận nhượng quyền thua lỗ” - ông Đô nói.

Cũng theo luật sư, nhà đầu tư nhượng quyền cũng nên lưu ý với một vài điều khoản khác trong hợp đồng như cam kết không nhượng quyền cho bên khác, cách tính phí chuyển nhượng quyền cho bên thứ ba (nếu có) ra sao.

Hiệu ứng "FOMO"

Dưới góc nhìn đầu tư, ông Lê Mạnh Hùng - chuyên viên cao cấp tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS - đưa ra một số lưu ý.

“Đầu tiên, tôi muốn nói đến hiệu ứng Fomo (Fear of missing out), có nghĩa là các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ có cảm giác tuột mất cơ hội đầu tư kinh doanh. Ví dụ, một thương hiệu đang ăn nên làm ra, với lượng khách ra vào rất đông, rất dễ nghĩ rằng nhượng quyền sẽ sinh lời nhanh chóng. Đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng nên cân nhắc kỹ. Không chỉ chứng khoán mới có hiệu ứng tâm lý, mà trong nhiều lĩnh vực khác cũng có trạng thái tâm lý này. Nhà đầu tư sẽ rất khó để sáng suốt khi quyết định xuống tiền. Có những thứ chỉ là xu hướng nhất thời” - ông Hùng nhận định.

Vị chuyên gia nói tiếp: “Khi không suy nghĩ thấu đáo, việc nghiên cứu thị trường, nắm bắt thói quen mua hàng, văn hóa mua hàng, nhìn tên thương hiệu, xem kỹ các điều khoản có dấu hiệu bất lợi trong hợp đồng… đều không được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh hưởng tâm lý còn từ chính phía công ty nhượng quyền khi họ tỏ ra không cần bạn, bạn không làm, không thiếu những người khác làm… Chính những yếu tố tưởng như khách quan mà chủ quan đó sẽ dẫn đến rủi ro. Nên nhớ, những nhà đầu tư đại tài như Warren Buffet từng chia sẻ, lợi nhuận đầu tư đạt tới 15-20%/năm đã là rất thành công. Nếu thấy việc đầu tư mang lại siêu lợi nhuận, nên cân nhắc thật kỹ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn