MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Tạp chí Tài chính.

Nền tảng để kìm lạm phát dưới 4%

KHÁNH VŨ LDO | 30/03/2018 11:01
Sáng 29.3, tại cuộc họp công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế xã hội quý I/2018, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn khởi sắc với mức tăng trưởng nhảy vọt.

GDP đạt 7,38% - tăng kỷ lục trong 10 năm trở lại đây

Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê - TS Nguyễn Bích Lâm, với mức tăng trưởng GDP 7,38% - là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,95%, đóng góp 0,46 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm %, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,7%, đóng góp 2,75% điểm %.

Phân tích nguyên nhân mức tăng trưởng GDP cao, ông Dương Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia khẳng định: Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến sự đóng góp lớn của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011 - 2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.

Tiếp đến, tăng trưởng của ngành CN đã đạt mức 10,08%, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Theo ông Dương Mạnh Hùng, xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 5,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 7,15%, đóng góp 4,65 điểm phần trăm... cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP nói chung.

Chỉ số giá tiêu dùng sẽ được kìm dưới 4%

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3.2018 giảm 0,28% so với tháng 2, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng vì chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2.2018 đều tăng đã đưa mức tăng CPI 3 tháng đầu năm 2018 tăng bình quân 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Tài chính cũng nhận định, từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá. Dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41-3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao tăng lạm phát 4% cho năm 2018.

Sáng 29.3, tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các thành viên Hội đồng cho rằng, kinh tế thế giới năm 2018 có dấu hiệu hồi phục tích cực, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khoá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (khoảng 4%), đồng thời theo dõi sát các diễn biến tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chương trình cải cách thuế của Mỹ.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng - cho biết: Theo tôi, việc tăng trưởng phải giúp tạo công ăn việc làm, chất lượng đời sống cũng phải được cải thiện. Còn nếu tăng trưởng về con số thì đẹp nhưng ở vùng nông thôn thu nhập không tăng, chất lượng đời sống không đảm bảo, môi trường bị hủy hoại… thì tăng trưởng như vậy chỉ là bề mặt để chúng ta vui mừng nhưng thực chất thì nền kinh tế đi thụt lùi. H.M

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn