MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp lực nợ đáo hạn với Novaland sẽ rất lớn trong quý II và quý III/2023. Ảnh: NVL

Nếu không có hỗ trợ, việc Novaland trả nợ đúng hạn là bất khả thi

Đức Mạnh LDO | 24/02/2023 16:40
Novaland không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đúng hạn sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho tập đoàn cũng như đem lại rủi ro hệ thống không nhỏ cho thị trường bất động sản và ngân hàng nói chung.

Không đổ vỡ ở quý này thì cũng khó sống sót vào hai quý tới?

Thống kê trong năm 2023 và 2024, tổng nợ của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) và các công ty liên quan rơi khoảng hơn 57.000 tỉ đồng.

  Thống kê các khoản nợ đáo hạn của Novaland theo thời gian. Ảnh: FIDT

Nhìn từ biểu đồ trên, quý I/2023 có thể xem là thấp điểm của các khoản nợ đáo hạn đối với NVL, tuy nhiên tập đoàn đã cho thấy sự khó khăn trong việc xoay dòng tiền để trả nợ.

Cụ thể, NVL đã không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn khi lô trái phiếu phát hành thông qua Chứng khoán Dầu khí (PSI) mã NVLH2123009 giá trị 1.000 tỉ đồng Novaland đã không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi. Trong khi đó, áp lực nợ đáo hạn sẽ rất lớn trong quý II và quý III/2023. 

Nhóm phân tích từ CTCP FIDT đánh giá: "Nếu không đổ vỡ thời điểm này thì Novaland cũng khó "sống sót" ở 2 quý sau nếu không có sự cải thiện mạnh về dòng tiền".

Theo ban lãnh đạo, khoảng hơn 10.000 tỉ đồng tiền gửi của NVL tại các ngân hàng thương mại (đang bị phong tỏa) sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý.

Theo FIDT, kịch bản tốt sẽ là NVL sớm giải quyết được vấn đề pháp lý và có tiền để thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, khoản tiền này vẫn là chưa đủ để doanh nghiệp giải quyết các khoản nợ trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh được dự phóng sẽ rất xấu khi:

Các sản phẩm của NVL thuộc phân khúc cao cấp. Nhu cầu thực thấp rất nhạy cảm với môi trường lãi suất cao.

Tính trạng cắt lỗ do lãi suất tăng và hết ân hạn lãi có thể khiến làn sóng cắt lỗ hàng loạt tại các dự án và không có dòng tiền về nhà phát triển dự án, chưa kể ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng trong tương lai.

Kịch bản xấu hơn là các trái phiếu của NVL đồng loạt bị vỡ nợ chéo. Nhiều khoản tín dụng ngân hàng sẽ bị giảm chất lượng về các nhóm nợ xấu hơn, khiến việc huy động vốn cho hoạt động càng trở nên khó khăn hơn.

Tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ dây chuyền

"Việc Novaland có thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đúng hạn là khá bất khả thi trong bối cảnh hiện tại khi doanh nghiệp khó thể xoay dòng tiền từ nguồn mới, cộng thêm dòng tiền kinh doanh được dự phóng sẽ tiêu cực trong năm nay. Điều này dẫn đến hậu quả rất xấu cho tập đoàn cũng như đem lại rủi ro hệ thống không nhỏ cho thị trường bất động sản và ngân hàng nói chung" - chuyên gia cho biết.

Cụ thể, các khách hàng đã mua sản phẩm của Novaland không thể nhận bàn giao nhà đúng tiến độ mà vẫn phải trả lãi vay ngân hàng.

Thứ hai, các trái chủ không nhận được khoản thanh toán đúng thời hạn hoặc thậm chí phải giải quyết bằng việc giải chấp tài sản thế chấp.

Thứ ba, rủi ro bất ổn xã hội lớn khi rất nhiều nhà đầu tư cá nhân (từ trái phiếu đến bất động sản) phải gánh chịu hậu quả từ sự kiện này.

Đồng thời, việc Novaland mất khả năng thanh toán nợ sẽ dẫn đến vấn đề suy giảm chất lượng nợ trong hệ thống ngân hàng dẫn đến các ngân hàng liên quan phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng nhiều khả năng sẽ suy giảm trong năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn