MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2024, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng có thể vẫn trong tầm kiểm soát. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Nếu không gia hạn Thông tư 02, nợ xấu sẽ tăng nhanh trong 2 năm tới

Anh Kiệt LDO | 28/12/2023 09:08

Khi hiệu lực của Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30.6.2024, áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

Mức trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng đột biến trong năm 2023

Theo thống kê từ nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, tính đến cuối quý III/2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của ngành Ngân hàng đã tăng lên 2,2% từ mức 1,6% cuối 2022. Tỉ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,3% từ mức 1,8% cuối 2022, tuy nhiên đã giảm theo quý khi một phần nợ quá hạn chuyển sang danh mục tái cơ cấu.

Tỉ lệ nợ ngoại bảng VAMC của các ngân hàng niêm yết ở mức 0,32%, bao gồm khoảng 0,22% đến từ Sacombank. Tỉ lệ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 khoảng 1%, chủ yếu từ khách hàng doanh nghiệp và có sự phân hóa.

Chuyên gia từ VCBS nhận định: "Tỉ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng đột biến trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024 nhờ Nghị định 08 hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02 cho phép tái cơ cấu các khoản vay.

Trong năm qua, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường địa ốc vẫn trầm lắng. Bất động sản là tài sản đảm bảo chính cho phần lớn các khoản vay. Nghị quyết 42 hết hạn vào ngày 31.12.2023, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vẫn chưa được thông qua tạo ra khoảng trống pháp lý cho việc xử lý nợ xấu".

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng đột biến trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Ảnh: VCBS

Nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng sẽ vẫn trong tầm kiểm soát

Dự báo từ VCBS cho năm 2024, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các thông tư, chính sách hỗ trợ và khách hàng quay lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt. Trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành (loại trừ SCB và các ngân hàng chuyển giao bắt buộc) tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả. Tỉ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý II/2024, tuy nhiên có sự phân hóa như sau:

Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải.

Nhóm ngân hàng có tỉ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 - 2025.

Hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn trong năm qua. Ảnh: VCBS

Còn theo chuyên gia từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể.

"Nguyên nhân đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan. Do đó, khi hiệu lực của Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30.6.2024, áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn. Do đó, sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn" - MBS đánh giá.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23.4.2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư 02/2023 có các nội dung cơ bản, quy định về việc: các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng và điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay nói trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn