MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: C.N

Nếu tận dụng tốt, EVFTA sẽ mở đường cho nông sản Việt

Cường Ngô - Phạm Dung LDO | 12/02/2020 08:22
Giữa lúc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra, Trung Quốc đã tiến hành đóng cửa biên giới với Việt Nam, nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, bởi Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu chính của chúng ta từ trước đến nay.

Không để nông sản Việt phụ thuộc vào một thị trường

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 11.2, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, nhiều doanh nghiệp nông sản của tỉnh này “điêu đứng” khi Trung Quốc đóng cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh, bởi hầu hết các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Đồng Nai chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

“Do hoạt động giao thương giữa 2 nước đang bị ngưng trệ nên nhiều sản phẩm của Đồng Tháp bị tồn đọng. Cụ thể, khoai lang bị đình trệ khoảng 11.000 tấn, quả ớt là 6.700 tấn... Bên cạnh đó, 90.000 tấn xoài chuẩn bị thu hoạch trong khoảng 30 ngày tới, bà con đang rất lo lắng”, ông Dũng cho hay. Ngoài ra, sản phẩm xoài của Đồng Nai sẽ vào mùa thu hoạch trong khoảng 30 ngày tới, với sản lượng dự tính là 90.000 tấn cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona.

Còn theo bà Phạm Thị Doan, Giám đốc sở Công Thương Sơn La, tỉnh có 10 mặt hàng nông sản tham gia xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường chính. Việc Trung Quốc đóng cửa biên giới, nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo,… đang vào mùa thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua. Việc này được nhận định là do chúng ta quá phụ thuộc vào một thị trường, khiến nông sản Việt rơi vào thế bị động.

Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market, chúng ta cần phải tìm đến những thị trường xuất khẩu mới, bền vững, tránh tình trạng khi một thị trường dừng mua hàng thì nông sản của Việt Nam ngay lập tức rơi vào tình trạng khó khăn.

EVFTA là cơ hội lớn để nông sản Việt đa dạng thị trường xuất khẩu

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua vào hôm nay (12.2) sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng...

“Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt được con số kỷ lục, đây là nỗ lực của chúng ta trong việc mở cửa thị trường, là việc các hiệp định tự do (FTA) được ký kết. Bước đầu, chúng ta đã tận dụng, khai thác được ưu thế mà các hiệp định này mang lại. Đối với hiệp định EVFTA đã được ký kết và chờ phê chuẩn, chúng tôi đang thực hiện rất tích cực việc tuyên truyền, phổ biến lợi thế mà hiệp định này mang lại khi có hiệu lực.

Chúng tôi rất hy vọng các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng sớm có nghiên cứu, có chiến lược của mình đối với từng mặt hàng, từng thị trường để tận dụng được lợi thế mà hiệp định mang lại”, Thứ trưởng Hải cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, với EVFTA, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi xuất sang EU ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến gồm có hóa chất; phương tiện và thiết bị vận tải; thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản.

Tuy nhiên, dù là các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng cũng không hẳn là không phải đối mặt với thách thức. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, để có thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia Châu Á khác, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần nghiên cứu các quy định khắt khe của họ. Bởi, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. 

“Khi hiệp định được thông qua, đương nhiên doanh số xuất khẩu tăng lên, mặt hàng nông sản, hoa quả xuất khẩu cũng tăng lên, đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm của chúng ta phải tăng lên, đáp ứng được quy định khắt khe của thị trường. Điều này phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan liên quan như hiệp hội, DN”, ông Đỗ Thắng Hải cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn