MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Châu Đình Linh - chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: NVCC

Nếu tiếp tục hạ lãi suất, cái giá sẽ là tỉ giá tăng và nhập khẩu lạm phát

Tuyết Lan (thực hiện) LDO | 09/10/2023 06:56

“Hiện nay không nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành, mà cần phải có những chính sách về tín dụng riêng biệt cho từng ngành để tăng trưởng kinh tế. Nếu tiếp tục giảm lãi suất có thể đánh đổi rủi ro về tỉ giá và lạm phát. Khi tỉ giá gia tăng sẽ mất cân đối về cung cầu, ngoại tệ trên thị trường. Từ đó, tác động đến phần lớn giá cả trong nước và sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng lên chỉ số CPI” - TS Châu Đình Linh - chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - trả lời phỏng vấn của PV Báo Lao Động.

Theo ông, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có nên tiếp tục hạ lãi suất không?

- Hiện nay, dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng. Vì vậy những nước lớn như nước Mỹ tăng lãi suất đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ giá của VND và USD. Nếu cứ tiếp tục giảm lãi suất điều hành sẽ phải đánh đổi tỉ giá tăng. Nguyên nhân do nước ta xuất khẩu nhiều nhưng phần lớn đến từ FDI, sản phẩm của Việt Nam phần lớn thiên về số lượng. Tỉ giá tăng lên có lợi khi xuất khẩu nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu để thực hiện các hoạt động phục vụ xuất khẩu.

Chính vì vậy đầu vào của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Bối cảnh kinh tế nước ta nếu không quan tâm đến tỉ giá sẽ nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới về với mức giá cao. Đồng nghĩa, đầu ra phải cao hơn sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh. Phần lớn Việt Nam thiên về nhập khẩu hàng hóa thiết yếu nên chỉ cần một động thái tỉ giá tăng sẽ khiến giá cả trong nước “té nước theo mưa” tăng rất nhanh. Chính vì vậy sẽ tác động gián tiếp đến lạm phát.

Hiện nay không nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành, chỉ nên để ngỏ. Nghĩa là chỉ phát ra tín hiệu dựa trên sự cân đối về cung cầu ngoại tệ đến cuối năm để có những quyết định cuối cùng. Hiện nay lãi suất đang ở mức tốt, hệ thống ngân hàng đang đồng hành với doanh nghiệp thông qua chính sách kinh doanh gắn liền với tiết giảm, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí.

Nếu tiếp tục giảm lãi suất sẽ gặp phải những rủi ro gì, thưa ông?

- Nếu tiếp tục giảm lãi suất có thể đánh đổi nhiều rủi ro về tỉ giá. Thứ nhất, khi tỉ giá gia tăng sẽ mất cân đối về cung cầu, ngoại tệ trên thị trường. Từ đó, tác động đến phần lớn giá cả trong nước và sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng lên chỉ số CPI. Thứ hai, rủi ro về tỉ lệ dự trữ ngoại hối sẽ “mỏng” hơn, Nhà nước sẽ phải đảm bảo đủ dự trữ ngoại khối để kịp thời can thiếp.

Quan trọng là can thiệp nhưng không bị lọt vào danh sách đen của FED cũng như Bộ Tài chính của Mỹ. Thứ ba, rủi ro về vay ngoại tệ. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ phải chi trả một khoản chi phí cao hơn cho việc gia tăng của tỉ giá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhiều.

Vậy cần phải làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế bền vững, thưa ông?

- Thời gian qua, phần lớn hấp thụ vốn đến từ nhu cầu vay tiêu dùng bất động sản, đầu tư bất động sản, kinh doanh bất động sản. Ngoài ra có phần đáng kể về chứng khoán. Đối với những ngành khác chỉ có một vài ngành tăng đột biến như xuất là cục bộ, không phải toàn bộ nền kinh tế. Thời điểm hiện tại cần có những chính sách về tín dụng riêng biệt cho những ngành giúp tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, bài toán lớn nhất cần cân nhắc là tỉ giá. Năm 2024, chúng ta cần cân nhắc về vấn đề lạm phát, tuy có độ trễ nhưng sẽ để lại ảnh hưởng lớn. Trong năm nay, nếu việc giải ngân đầu tư công đi đúng theo mục tiêu ban đầu đặt ra sẽ đạt được tỉ lệ tăng trưởng. Đặc biệt, không nên chỉ nghĩ tới tỉ lệ tăng trưởng mà còn cần nghĩ tới chất lượng tăng trưởng. Trong đó, cần ổn định, cân bằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn