MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WorldBank tại Việt Nam. Ảnh: WB

Nếu tiếp tục hạ lãi suất, dòng tiền có thể chảy sang lĩnh vực rủi ro

Trà My LDO | 28/07/2023 12:30

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, điều kiện cho vay. Trong khi ngành ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thì chính sách tài khóa triển khai rất chậm, thậm chí là còn tăng thu ngân sách.

Điều gì xảy ra nếu tiếp tục hạ lãi suất?

Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành trong vài tháng nhưng tín dụng trong nền kinh tế vẫn tăng trưởng yếu. PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - cho rằng, thực tế ngân hàng nào cũng muốn cho vay, "mua" vốn về phải "bán" vốn ra. Tuy nhiên, hiện ngân hàng khá khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tốt, có khả năng trả nợ, xác định được đúng dòng tiền để mở rộng tín dụng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Công Huân - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn HDC (chuyên lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản) - cho biết: "Với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn nhất là tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Chúng tôi phải vay tín chấp, vay theo dòng tiền. Đơn hàng xuất khẩu thuỷ sản cực kỳ khó khăn khi giảm 30% so với cùng kỳ năm trước".

Dưới góc nhìn phân tích của TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - chính sách tiền tệ đã quá sức, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Cái giá phải trả cho việc tiếp tục hạ lãi suất đã được chuyên gia của World Bank cảnh báo.

Ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WorldBank tại Việt Nam - nhận định: “Lãi suất trong nước giảm trong bối cảnh môi trường lãi suất toàn cầu ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước sẽ cao hơn và có thể gây áp lực với tỉ giá. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao trong môi trường cầu yếu có thể khiến tín dụng chảy sang các lĩnh vực rủi ro hoặc hoạt động phi sản xuất. Từ đó có thể dẫn đến tỉ lệ nợ xấu cao hơn, gây rủi ro bất ổn tài chính”.

Không nên tăng thu, đẩy doanh nghiệp khó chồng khó

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Một trong những giải pháp là không nên đề cập tăng thu ngân sách. Vì trong nền kinh tế ảm đạm như vậy không thể tăng thu, đẩy doanh nghiệp khó chồng khó”.

Vậy làm thế nào để đẩy tín dụng ra nền kinh tế? TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Tại thời điểm này, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Cần kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang có sự lệch pha. Trong khi ngành ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thì chính sách tài khóa triển khai rất chậm, thậm chí là còn tăng thu ngân sách. Lúc này đáng lẽ cần nhấn mạnh hơn chính sách tài khoá nhưng chúng ta lại đang tập trung quá nhiều đến chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ đã quá sức rồi”.

“Theo chúng tôi, nhu cầu yếu như vậy nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn” - ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn