MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Ngăn chặn hàng giả trên mạng cần tăng trách nhiệm của chủ sàn giao dịch"

Cường Ngô LDO | 09/02/2021 20:21

Với sự tiện lợi và nhanh chóng cho nên hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong câu chuyện đầu Xuân Tân Sửu 2021, Báo Lao Động trao đổi với ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương về vấn đề này.

Quyết tâm chống hàng giả để bình ổn thị trường

2020 là một năm gian nan với lực lượng QLTT khi phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có thời điểm phải giãn cách vì dịch COVID -19. Nhìn lại năm 2020, ông có thể đúc kết điều gì?

- Trong năm 2020, lực lượng QLTT có lúc rơi vào tình huống bị động khi dịch COVID-19 xảy ra. Nhiệm vụ đầu năm mà chúng tôi đề ra là tập trung chống hàng giả và chống gian lận thương mại trên môi trường Internet. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng khác làm tốt công tác chống buôn lậu, an toàn thực phẩm.

Khi dịch bùng phát, kế hoạch đầu năm bị đảo lộn, lực lượng QLTT khi ấy được xác định là chủ công trên mặt trận chống dịch. Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, chúng tôi thể hiện được mình là đơn vị xung kích, tiên phong trong công tác chống dịch.

Hàng loạt vụ việc buôn bán khẩu trang giả được lực lượng QLTT triệt phá như vụ kiểm tra xưởng sản xuất 2.000m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình; tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế Bình Dương..

Đến thời điểm này, dịch vẫn rất phức tạp, chúng tôi vẫn quyết tâm kiểm soát, bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Trần Hữu Linh nói về công tác chống hàng giả của QLTT. Ảnh: DMS

Một trong những chiến công lớn của lực lượng QLTT trong năm 2020 là triệt phá Tổng kho hàng lậu ở Lào Cai. Vụ việc cũng đặt ra vấn đề về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường Internet. Gần như nạn bán hàng giả, hàng nhái cũng tăng theo quy mô phát triển của thương mại điện tử, ông nghĩ sao về nhận định này?

Thương mại điện tử càng phát triển, các hành vi gian lận thương mại trên mạng càng ngày càng phổ biến. Phổ biến đến mức các giao dịch không chỉ trên nền tảng thương mại điện tử thông thường nữa, mà các thiết bị di động, mạng xã hội.

Khi xuất hiện dịch COVID-19, gian lận thương mại trên môi trường mạng cũng bùng phát mạnh mẽ, do lượng giao dịch lớn. Năm 2020, chúng tôi đã tấn công, cũng như là xử lý được một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường Internet, đặc biệt là những cái mô hình kinh doanh mới, trên các kênh bán hàng đa kênh...

Tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã xử lý khi hàng giả rất lớn ở Lào Cai, rất nhiều hàng hoá được cất giấu ở những kho hàng sát biên giới. Các kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu, thậm chí nằm ở những cái địa bàn chiến lược như là sát cửa khẩu biên giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kiểm tra, xử lý được rất là nhiều việc khác, như là cái vụ bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng, trên mạng xã hội; phát hiện ra những cái kho, găng tay y tế đã qua sử dụng cũng thông qua mạng xã hội và trao đổi thông tin trên mạng ở Bình Dương, TPHCM, Hòa Bình, Hà Nội.

Việc xử lý nhiều vụ việc nổi cộm là hồi chuông cảnh tỉnh cho những đối tượng đã đang và có ý định lợi dụng môi trường mạng để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.

"Cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân"

Những cách thức tinh vi nào của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên "chợ mạng" nhằm qua mặt cơ quan chức năng?

- Trên các trang mạng, một số đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng, nhằm lôi kéo người tiêu dùng.

Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật, hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch, nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Đặc biệt, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm.

Có vẻ những biện pháp của cơ quan chức năng cũng như của chủ sàn thương mại điện tử vẫn chưa đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu của người kinh doanh về môi trường kinh doanh lành mạnh, cho nên các hành vi gian lận thương mại trên mạng mới "lộng hành" như vậy?

- Năm 2020, chúng tôi dự báo tốc độ phát triển thương mại điện tử sẽ bùng nổ, tốc độ này sẽ duy trì ở những năm tiếp theo. Cho nên cần phải có kế hoạch một cách chuyên nghiệ và bài bản.

Cụ thể, chúng tôi đã kiến nghị các đơn vị trong Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 52/2013 về thương mại điện tử. Chúng ta phải can thiệp về mặt chính sách trước.

Bộ Công Thương cũng đã có dự thảo cuối cùng chuẩn bị trình Chính phủ về Nghị định mới hoàn toàn về quản lý thương mại điện tử. Lần thay thế này sẽ đặt ra cái cách thức quản lý mới.

Thứ nhất, do tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh trong những năm qua, cho nên chúng ta phải coi và đối xử với môi trường thương mại trên mạng nó như môi trường truyền thống. Lần sửa đổi này, tôi cho rằng có sự bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Thứ hai, các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử. Trước đây chúng ta chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, mà chủ yếu xoanh quanh người bán hàng.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn