MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tín dụng bất động sản tăng cao đặt ra yêu cầu phải giám sát chặt các quy trình về cho vay đối với lĩnh vực này. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngăn chặn sốt đất ảo: Siết chặt vốn vay đổ vào đầu cơ bất động sản

Văn Nguyễn LDO | 03/04/2021 08:30

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, vốn cho vay bất động sản tại các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm tăng cao hơn tốc độ tăng cho vay chung toàn ngành. Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, cơ quan ngân hàng trung ương đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng.

Tín dụng bất động sản bất ngờ tăng cao

Cụ thể theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho đến ngày 15.3.2021, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, tức tăng cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung hiện nay của toàn ngành (2,04%). So với năm ngoái, tăng trưởng tín dụng hiện tại cũng đang có chiều hướng tích cực.

Theo phân tích của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, tín dụng đổ vào bất động sản có 2 lĩnh vực: Một là tín dụng chảy vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án (nghỉ dưỡng, biệt thự…) mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. Ông Đào Minh Tú cho hay, đây là những đối tượng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, lĩnh vực thứ hai là những lĩnh vực tín dụng đầu tư vào để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, ví dụ như nhà cho người thu nhập thấp hay là phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân, phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai.

Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng trong thời gian qua cũng như dự báo sắp tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng.

"Tuy nhiên hiện nay mức tăng 2,13% này cũng không phải ở tất cả các tổ chức tín dụng mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây” - ông Đào Minh Tú nói.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, vấn đề bất động sản thời gian gần đây tương đối nóng, tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng lên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.

Theo đó về phía ngành Ngân hàng, riêng lĩnh vực tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành Ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ.

Giám sát chặt việc triển khai Thông tư 22

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản để kịp thời xử lý.

Đặc biệt trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng sẽ không hạ thấp điều kiện tín dụng, thực hiện xem xét, quyết định cho vay đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ theo quy định pháp luật hiện hành.

Bối cảnh trên cũng đặt ra yêu cầu cần giám sát chặt các quy định, quy trình cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng. Thực tế để kiểm soát chặt dòng vốn ngân hàng đổ vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt với nhóm đầu cơ và kinh doanh bất động sản, NHNN có hẳn một thông tư theo hướng siết chặt cho vay bất động sản với liều lượng tăng dần theo từng nhóm đối tượng vay.

Cụ thể với Thông tư 22/2019 có hiệu lực từ đầu năm 2020, NHNN cụ thể hóa định hướng tiếp tục siết lại hoạt động cho vay bất động sản khi giảm dần tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Theo nhận định của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thông tư này nhằm hướng các ngân hàng cho vay mua nhà tới những khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội vốn đang thiếu nguồn cung, chứ không phải mua nhà để kinh doanh.

Chủ trương này thể hiện rõ ở quy định các khoản vay mua nhà dưới 1,5 tỉ đồng, các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ chỉ bị áp dụng hệ số rủi ro 50%. Trong khi đó các khoản vay kinh doanh, đầu cơ bất động sản lại bị tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%.

Dữ liệu thống kê của NHNN cho thấy, với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vốn vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này liên tục có xu hướng giảm trong các năm vừa qua. Cụ thể giảm mạnh từ mức tăng 26,76% năm 2018 xuống còn 21,53% trong năm 2019 và tiếp tục giảm mạnh trong năm 2020 xuống còn 9,97%.

Đáng chú ý trong năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ước khoảng 9,97%) cũng thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung toàn ngành là khoảng 12,13%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn