MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất tiền gửi đã không còn đi ngang sau nhiều tháng. Ảnh: L.T

Ngân hàng căng thanh khoản, lãi suất huy động điều chỉnh

Gia Miêu LDO | 26/12/2021 10:20

Nhiều ngân hàng thương mại đã có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng tạm thời.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi mới theo hướng tăng từ giữa tháng 12 tới nay với mức tăng từ 0,1 - 0,5%/năm. Hiện nay, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank, với mức 7,4%/năm cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng là Nam A Bank với mức 7,2%/năm. Xếp thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,15%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có mức điều chỉnh lãi suất huy động sau nhiều tháng đi ngang. Đơn cử, Techcombank cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới nhất hiện tăng thêm khoảng 0,2 - 0,4 điểm % so với kỳ điều chỉnh trước đó. Ngoài ra, ngân hàng này còn có chương trình ưu đãi lãi suất như: khách hàng dưới 50 tuổi gửi dưới 1 tỉ đồng lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng tại Techcombank sẽ được hưởng mức lãi suất 4,1%/năm, thay vì 3,9%/năm như trước; gửi từ 13-35 tháng lãi suất là 4,8%/năm, thay vì mức 4,4%/năm so với trước…

Về phía NHNN cũng thể hiện rõ quan điểm, dư địa của chính sách tiền tệ còn rất hẹp. Hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền. Do vậy, trong điều hành lãi suất, NHNN sẽ cân đối trong tương quan với lạm phát, tương quan với lợi ích của người gửi tiền.

Báo cáo mới nhất của SSI Research cho biết bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, trong khi mặt bằng lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp không có nhiều biến động lớn. Cụ thể, mức tăng ghi nhận từ 0,1 – 0,3 điểm %, chủ yếu xảy ra ở các ngân hàng nhỏ nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác trong giai đoạn cuối năm. 

Trong hai tháng cuối năm 2021, nhu cầu tín dụng và hoạt động giải ngân đã tăng vọt trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ được tiếp tục giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, trong tháng 11, tín dụng trên địa bàn đã tăng 2,2% so với tháng trước, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng của năm 2021. Diễn biến này cũng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội TPHCM sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.

Như vậy, tín dụng trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp của quý 4/2021, sau khi giảm 0,67% trong tháng 9. Đây là tín hiệu đáng mừng, phản ánh những tín hiệu tích cực trong phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn. Không ít ý kiến dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%, phù hợp với động thái nâng trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước tại một số ngân hàng thương mại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn