MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, rủi ro đối với hoạt động của ngành ngân hàng hiện tại chủ yếu đến từ chất lượng nợ có nguy cơ suy giảm. Ảnh: Đức Mạnh

Ngân hàng có thể giảm lãi suất nhưng biên độ không quá lớn

Đức Mạnh LDO | 16/02/2023 06:15
"Việc giảm lãi suất huy động và cho vay trong thời gian sắp tới là khả thi. Đồng thời thanh khoản của nền kinh tế sẽ tiếp tục được duy trì ổn định", trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT - cho biết.

Các ngân hàng thương mại vừa qua đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng. Vậy điều này có khả thi trong thời điểm hiện nay? Theo ông, mặt bằng lãi suất nên được điều chỉnh như nào?

- Trước tiên, giảm lãi suất đang là chủ trương của Chính phủ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các ngân hàng lớn đã ra công văn áp trần lãi suất huy động với ngân hàng mình và sẽ có hiệu lực trong những tuần tới. Đồng thời, giai đoạn thiếu hụt thanh khoản trầm trọng của nhiều ngân hàng đã qua. Điều này phản ánh rõ nhất khi nhiều nhà băng vẫn giữ lãi suất huy động cao nhưng các kỳ hạn dài đã giảm nhất định so với cuối năm 2022. Cộng với sự đồng thuần của nhóm Big 4 đang chiếm 45% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thì chúng tôi cho rằng, lãi suất sắp tới sẽ có thể hạ.

Về cung tiền, tính riêng trong tháng 1.2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua 2,78 tỉ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối, qua đó hỗ trợ thanh khoản và tăng cung tiền cho hệ thống.

Về yếu tố bên ngoài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất và Việt Nam khó thể đi ngược xu hướng này. Lý do là nền kinh tế chúng ta có độ mở cao và nếu lãi suất VND thấp có thể khiến dòng tiền nước ngoài chảy ra như giai đoạn quý III và đầu quý IV/2022.

Do đó, việc giảm lãi suất huy động và cho vay trong thời gian sắp tới là khả thi nhưng mức giảm sẽ không quá lớn.

Điều này sẽ tác động như thế nào đến thanh khoản của nền kinh tế, thưa ông?

- Hiện tại thanh khoản hệ thống đang ổn định và trong ngắn hạn chúng tôi cho rằng vẫn sẽ tiếp tục ổn định vì hai lý do. Thứ nhất, áp lực dòng tiền chảy ra cao nhất đã qua và Ngân hàng Nhà nước đã mua USD dự trữ ngoại hối giúp "bơm" thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt lãi suất dù chưa nhiều nhưng cũng cho thấy thanh khoản hệ thống đã cải thiện.

Nếu xu hướng dòng vốn trở lại thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam tiếp tục và giải ngân đầu tư công tốt thì thanh khoản hệ thống ngân hàng và cung tiền về nửa sau năm 2023 sẽ tốt lên đáng kể.

Lãi suất giảm đồng nghĩa với giảm biên lãi ròng (NIM), lợi nhuận của các nhà băng sẽ bị tác động như thế nào?

- NIM của các ngân hàng bị ảnh hưởng như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào việc có thể đẩy chi phí huy động tăng cho khách hàng vay không. Ví dụ trong đợt lãi suất tăng mạnh vừa qua và room tín dụng không còn nhiều, các ngân hàng giải ngân mới đa phần đều chào mức lãi suất cao và đẩy chi phí này cho người vay.

Hiện tại các ngân hàng đang muốn hạ lãi suất huy động và sau đó hạ lãi suất cho vay nhưng như phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng sẽ không quá lớn nên ảnh hưởng tới NIM là không đáng kể.

Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của nhóm ngân hàng cũng cho thấy, thu nhập lãi thuần có xu hướng đi ngang so với quý III. Chúng tôi dự phóng NIM có thể bị ảnh hưởng rõ nhất trong quý I này nhưng sẽ không quá lớn.

Rủi ro đối với hoạt động của ngành ngân hàng hiện tại chủ yếu đến từ chất lượng nợ có nguy cơ suy giảm hơn là lo lắng về NIM. Kết quả kinh doanh quý IV tiết lộ tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết chưa tăng cao nhưng nợ nhóm 2 đang tăng nhanh đáng kể. Đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng nợ của ngành ngân hàng đang suy giảm và sẽ tiếp tục kém khả quan trong đầu năm 2023. Do đó, áp lực trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu có thể là nguyên ngân khiến lợi nhuận ngành ngân hàng sắp tới trở nên xấu đi. Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng có chất lượng nợ xấu thấp và dự phòng cao so với nhóm còn lại.

Ngân hàng thương mại đã phát tín hiệu giảm lãi suất, ông kỳ vọng NHNN sẽ đề ra những chính sách như nào trong thời gian tới?

- Sau những cuộc họp lấy ý kiến về tín dụng bất động sản cũng như tổng quan nền kinh tế hiện tại thì chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất tiêu dùng và ổn định mặt bằng lãi suất là trọng tâm mà NHNN sẽ hướng tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn