MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Ánh

Ngân hàng cũng cần "chạy KPI" khi phê duyệt vốn vay

Minh Ánh LDO | 21/09/2023 18:38

Chiều 21.9, chia sẻ những khó khăn với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội trải lòng về những khó khăn trong thủ tục vay vốn. Lãi suất cao cũng chưa phải là tất cả.

Doanh nghiệp than về chi phí vay cao, thủ tục duyệt 3 tháng mới xong

Chiều 21.9, tại Hội nghị Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp địa bàn TP Hà Nội, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) - chia sẻ việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài.

Ông trình bày: "Các doanh nghiệp có những khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay lên tới 6 tháng".

Theo đó, ông Sơn đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay.

Không chỉ về thủ tục phê duyệt khoản vay, ông Sơn chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp phải gồng mình trong nền kinh tế khó khăn, dẫn đến bức tranh tài chính "không đủ đẹp" để đáp ứng tiêu chí ngân hàng đề ra là để được vay vốn.

"Tôi không đề nghị ngân hàng hạ mức chuẩn tín dụng nhưng có thể điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính" - ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Vĩnh Sơn cũng đề cập đến câu chuyện với các nguồn tài trợ dự án trung - dài hạn, việc vay từ định chế tài chính phải chịu lãi trước trả nợ hạn từ 1-5%.

"Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Chính vì vậy, tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có thì mức phí này chỉ là 1%" - ông Sơn nhấn mạnh đồng thời cho rằng, các ngân hàng nên giữ nguyên nhóm nợ để đảm bảo doanh nghiệp có điều kiện cơ cấu hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung.

Doanh nghiệp là khách quý mới được mời chào

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) - đề cập đến câu chuyện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ. Bà lấy ví dụ về Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp lớn thụ hưởng tốt, doanh nghiệp SME lại chưa được tiếp xúc nhiều.

"Có doanh nghiệp được 5-7 ngân hàng mời chào. Doanh nghiệp làm ăn tốt là khách quý của ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vay được" - bà Ngân nói.

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme). Ảnh: Minh Ánh

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Hawee - cho hay, đơn vị này sản xuất kinh doanh thiết bị điện, các linh kiện, nguyên liệu đầu vào. Thời gian vừa qua, vấn đề tỉ giá có biến động tương đối lớn tác động không nhỏ đến doanh nghiệp do doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm có chi phí tăng cao.

Bà Hương cho biết, năm 2023, mặt bằng lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng có sự biến động cao ở giai đoạn đầu năm và giảm dần đến cuối năm. Tới hiện tại, mặt bằng lãi suất của doanh nghiệp đánh giá cơ bản đã quay trở lại thời điểm trước dịch COVID-19.

"Tuy nhiên, việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp phụ thuộc vào tình hình của các đối tác đầu ra, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Các đơn vị này hoạt động kinh doanh, đầu tư có phần suy giảm" - bà Hương chia sẻ.

Đại diện Hawee mong muốn có sự đồng hành của các ngân hàng trong các cơ chế tín dụng ưu đãi. "Hiện ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên được các tổ chức tín dụng cấp hạn mức vay vốn, đối với một số gói thầu lớn, gói thầu trọng điểm quốc gia khi trúng thầu, doanh nghiệp mong muốn có được cơ chế tiếp cận vốn đặc thù" - bà Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn