MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngân hàng “đau đầu” cho vay mà nợ xấu không phình to

Hương Nguyễn LDO | 24/07/2023 10:57

Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, làm thế nào doanh nghiệp tiếp cận được vốn nhưng ngân hàng không lo nợ xấu phình to? Trao đổi với Báo Lao Động, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV - cho biết: “Giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát rủi ro của nền kinh tế”.

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo ông, dư địa để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất còn không?

- Hiện các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động và cho vay từ 1,2-1,5%. Thông điệp mà Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước mong muốn là độ trễ chính sách diễn ra ngắn hơn, việc giảm lãi suất huy động và cho vay diễn ra nhanh hơn.

Thủ tướng và Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, đa dạng hoá nguồn vốn và tìm nhiều cách để giảm lãi suất huy động và cho vay đối với dư nợ hiện tại và dư nợ trong tương lai. Đâu đó các tổ chức tín dụng sẽ còn tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Thế nhưng, giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề. Quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và mức độ kiểm soát rủi ro của nền kinh tế. Các chính sách cần đồng bộ hoá hơn. Hiện chúng ta mới chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, cần tổ chức thực hiện chính sách tài khoá nhanh hơn. Đặc biệt, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Cần quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Như vậy mới giải quyết được nguồn cung và cầu.

Làm thế nào để các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng mà vẫn kiểm soát tốt rủi ro, thưa ông?

- Ngoài việc giảm lãi suất cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra tốt hơn. Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo trong thời gian qua.

Tôi cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc trên thị trường chính như bất động sản, nông thuỷ sản.

Đẩy nhanh vốn đầu tư công sẽ tăng tính lan toả, giải toả nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý trong thị trường bất động sản, xây dựng. Chỉ khi tháo gỡ được vấn đề pháp lý mới có thể khơi thông kênh tín dụng. Ngân hàng mới cho vay và giải ngân được. Các giải pháp cần đồng bộ thì mới có thể giải quyết và kích cầu tín dụng, đảm bảo khả năng hấp thu vốn và quản lý rủi ro.

Nợ xấu nội bảng của ngân hàng đang tăng cao. Làm thế nào kiểm soát rủi ro?

- Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đương nhiên nợ xấu tăng, đó là xu hướng chung của thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng khoảng 3%. Nợ xấu gộp khoảng 5%. Rõ ràng con số nợ xấu đã tăng so với thời điểm năm 2022, nhưng về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Nếu chúng ta quyết liệt đồng bộ các nhóm chính sách như tôi vừa nói thì sẽ giúp nền kinh tế tăng khả năng hấp thụ vốn, tăng trưởng tín dụng, từ đó doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt hơn.

Theo Thông tư 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực xử lý nợ xấu.

Các tổ chức tín dụng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế. Mặc dù con số này không cao như thời gian trước nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu.

Kinh nghiệm của ngành ngân hàng thời gian qua đã được tích luỹ.

Thủ tướng yêu cầu chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Vậy thách thức với tỉ giá ra sao khi một số ngân hàng trung ương các nước khác vẫn tiếp tục nâng lãi suất để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ?

Việt Nam theo đuổi chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ thận trọng. Lạm phát ở thế giới đã giảm và lạm phát Việt Nam giảm khá rõ nét. Thủ tướng rất quyết liệt trong việc giảm lãi suất trong kiểm soát để kích cầu. Khi giảm lãi suất sẽ tạo áp lực nhất định với tỉ giá nhưng tôi đánh giá rủi ro lên tỉ giá tăng không lớn. Dự báo Fed chỉ tăng lãi suất 1 lần nữa rồi sẽ đi ngang hoặc bắt đầu giảm lãi suất, điều này khiến đồng USD không tăng giá. Chênh lệch đô - đồng không quá lớn, chúng ta kiểm soát tốt tỉ giá. Tiền đồng sẽ mất giá khoảng 0-0,5% so với USD.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn