MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: SBV

Ngân hàng, doanh nghiệp kiến nghị gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ

Minh Ánh LDO | 20/11/2023 16:17

Nhìn lại những kết quả, tác động của Thông tư 02/1023/TT-NHNN (Thông tư 02) trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng kiến nghị gia hạn thêm Thông tư 02, thay vì kết thúc vào tháng 30.6.2024.

Thông tư tốt nhưng không nên kéo dài quá lâu

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Thông tư 02 là sự chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp không có khả năng trả nợ vay và lãi vay thì ngân hàng có đòi, doanh nghiệp cũng không trả nợ được, trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn, chuyển nợ xấu, doanh nghiệp sụp nợ thì doanh nghiệp không thu được nợ.

Khi có Thông tư 02 không chuyển nhóm nợ, giãn, hoãn thời gian đòi nợ và không chuyển nợ xấu, các doanh nghiệp có thể xoay sở để tồn tại, phát triển và trả được khoản vay cho ngân hàng. Đây là điều tốt cho cả doanh nghiệp và ngân hàng".

Tuy nhiên, trước kiến nghị gia hạn thêm Thông tư 02, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh không đồng tình và cho rằng nên kết thúc đúng thời điểm của Thông tư.

Theo đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Thực tế, một bên chúng ta cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhưng một bên khác việc kéo dài Thông tư 02 sẽ khiến bong bóng nợ xấu thổi phồng to hơn nữa, từ đó đe doạ xấu cho toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ.

Cũng nên cân nhắc cẩn trọng việc có nên kéo dài Thông tư 02 hay không. Theo quan điểm của tôi, nếu đến tháng 6.2024, chúng tôi dự đoán các doanh nghiệp có phục hồi tương đối. Vì vậy các khoản nợ xấu cũng nên được xử lý. Phải đặt lợi ích của nền kinh tế lên trên đầu".

Cùng quan điểm không nên kéo dài lâu Thông tư 02, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế lại cho rằng có thể kéo dài tối đa 1 năm, đến tháng 6.2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không gia hạn Thông tư 02, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính.

Đặt trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với "cơn bão" mới đó là nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại.

Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi.

Nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng ra sao?

Kết thúc quý III/2023, báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cho thấy, nợ xấu tiếp tục tạo áp lực cho các ngân hàng. Lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm.

Cụ thể, tính đến cuối quý III/2023, tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1,21%, từ mức 0,83% cuối quý II. Còn tại MB, nợ xấu là 1,89%, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Tỉ lệ nợ xấu của HDBank bắt đầu tăng từ quý II và đến quý III/2023 đạt 2,3% (tăng thêm 0,1% so với cuối quý II).

Tương tự, tỉ lệ nợ xấu của ACB liên tục tăng kể từ quý IV/2022, đến cuối quý III/2023 ghi nhận mức 1,2%.

Tỉ lệ nợ xấu của Techcombank trong 3 quý gần nhất lần lượt là 0,8%, 1,1% và 1,4%.

Tỉ lệ nợ xấu của VPBank tăng từ 3,88% cuối quý II lên 3,96% cuối quý III/2023.

Dù con số nợ xấu tại báo cáo tài chính đang tăng lên, nhưng các chuyên gia cho rằng, những con số ở báo cáo mới chỉ là "một nửa của sự thật".

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: "Nợ xấu của các ngân hàng vì chưa hạch toán cả giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, mà nếu cộng cả vào sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi”.

Tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức tuần qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Thông tư 02 là chính sách rất riêng của Việt Nam, ngay giữa lúc dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 01, sau đó là Thông tư 02 để giải quyết khó khăn của năm 2023.

Việc kéo dài sử dụng Thông tư 02, xét về góc độ vĩ mô cần phải cân nhắc hài hoà. Trong ngắn hạn thông tư rất có hiệu quả, nhưng trong trung và dài hạn, Thông tư 02 sẽ để lại gánh nặng về an toàn, tài chính và an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn hiện nay. Thông tư 02 là một trong những giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Với thời hạn kéo dài cho những khoản nợ đến hạn và kéo dài thời gian được cơ cấu tối đa là một năm, đã tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp có thêm nguồn lực, điều kiện tái tạo quay vòng nguồn vốn kinh doanh. Doanh nghiệp cũng có thêm điều kiện tài chính để đảm bảo việc chưa giải quyết được đơn hàng tồn kho, vượt qua khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn