MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Ngân hàng giảm lãi suất cho có mùa COVID-19, chẳng đáng gì hết trơn!”

Lan Hương LDO | 10/09/2021 06:33

“Mức giảm lãi suất chỉ mang tính động viên cho có, giống như mang dầu gió xoa cho người bị thương hàn. Nhiều doanh nghiệp không có niềm tin, ngân hàng đã không biết lo cho người bạn của mình khi gặp nạn. Người ta bảo khi gặp nạn mới biết ai là bạn” - ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng: “Nền kinh tế của Việt Nam bị bào mòn kiệt quệ bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp nào may mắn thì giữ sản xuất không lỗ, còn lại thì lợi nhuận âm hết (trừ một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang…). Trong khi đó, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn báo lãi kếch xù.

Khi cả nước đang chống chọi với dịch bệnh, toàn bộ nền kinh tế suy sụp thì Nhà nước chỉ kêu gọi chung chung là các ngân hàng hỗ trợ chứ chưa có biện pháp mạnh để các ngân hàng “chia lửa” với ngành sản xuất khác. Mà nếu chỉ dừng ở kêu gọi thì các ngân hàng chỉ làm cho có chứ làm sao ngân hàng nhường lợi ích cho người khác. 

Lãi suất để cho các ngân hàng giảm tự nguyện thì việc tự nguyện đó chỉ mang tính chất cho có. Tôi thấy một số ngân hàng giảm lãi suất cho khách hàng ruột, công ty con, gắn với lợi ích của ngân hàng…”.

Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và mong chờ những hỗ trợ thiết thực từ ngân hàng thay vì việc công bố giảm lãi suất 0,5%-1%. Ảnh: TL

Nói về khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, ông Lĩnh nói: “Doanh nghiệp tôi hoạt động cầm chừng, chỉ 20% năng suất so với cùng kỳ trước đó. Doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, chi phí đội lên rất lớn, cứ 3 ngày lại phải làm test PRC cho công nhân. Tiền thuê container xuất khẩu trước tôi trả 2.500 USD/container, giờ giá đội lên tới 20.000 USD/container. Nói thật là càng sản xuất trong bối cảnh này thì càng lỗ. Mặc dù không có lời nhưng tôi vẫn phải duy trì cầm chừng để giữ uy tín với khách hàng, giữ thể diện quốc gia, cho đối tác thấy doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm”. 

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) - cho biết, trên 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ đã dừng sản xuất, những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản.

"Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại. Hiện tại, doanh nghiệp chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác" - ông Đỗ Xuân Lập nói.

Trước đó, xảy ra một vụ xôn xao khi một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản top đầu cả nước từ chối việc ngân hàng giảm lãi suất 0,1-0,2%/năm. Lý do mà ông chủ doanh nghiệp đưa ra “mức giảm quá nhỏ, nhận chi cho mang tiếng nên tôi từ chối”. 

Đó là câu chuyện của các doanh nghiệp lớn, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả các doanh siêu nhỏ theo dạng hộ kinh doanh gia đình cũng lao đao vì lãi vay ngân hàng mùa dịch.

“Tôi rất nản mỗi khi nghe tin ngân hàng giảm lãi suất vì biết đó chỉ là giảm hình thức. Gia đình có một xưởng gỗ nhỏ và một cửa hàng bán nội thất, nhưng dịch bệnh, hàng chẳng bán được, thu nhập sụt giảm trong khi lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đều” - anh Khương Thành, chủ một xưởng gỗ, cho hay. 

“Nếu giờ ngân hàng không hỗ trợ, chẳng lẽ ngân hàng đang muốn khách hàng phá sản để siết nợ tài sản? Hay ngân hàng muốn khách hàng tồn tại và đồng hành cùng ngân hàng?” - anh Phạm Đức, một người dân vay tiền mua nhà ở TPHCM, nói.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính ngân hàng nói rằng: “Khi dịch bệnh xảy ra, trên mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, ngân hàng nên chia sẻ thế nào để giữ được những bạn hàng tốt. Đây là thời điểm cần đồng hành với doanh nghiệp, ngân hàng đừng nghĩ chỉ câu chuyện lãi suất không”.

Chuyên gia này cho rằng, ngân hàng cần suy nghĩ giải pháp tài chính tổng thể cho doanh nghiệp thay vì chỉ giảm 0,1-0,2% lãi suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn