MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng đang trình lên cổ đông nhiều kế hoạch tăng vốn. Ảnh: Quang Duy

Ngân hàng miệt mài tăng vốn, cổ đông ngóng cổ tức

Gia Miêu LDO | 15/03/2021 14:51

Ngoài việc mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu để tăng vốn, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, không ít ngân hàng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch huy động vốn mới.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021. Trong đó, ngoài kế hoạch kinh doanh, ACB còn dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Cụ thể, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại để chia tính đến 31.12.2020. Với vốn điều lệ hiện tại hơn 21.600 tỉ đồng, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ dự kiến lên hơn 27.000 tỉ đồng.

Dự kiến tại Đại hội cổ đông tổ chức vào ngày 24.3 tới, VIB sẽ trình phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và chào bán cổ phiếu. Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%. 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn là khoảng 16.000 tỉ đồng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Các ngân hàng khối quốc doanh cũng không đứng ngoài cuộc. Tăng vốn là một trong những tờ trình quan trọng được Vietcombank trình Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào 23.4 tới. Theo thông tin ban đầu cho biết nhiều khả năng, Vietcombank sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức khi năm 2020 Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 23.045 tỉ đồng và tiếp tục đề ra phương án phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Mục tiêu chào bán riêng lẻ 6,5% vốn được ngân hàng này đưa ra từ năm 2019, song đến nay vẫn chưa thực hiện. Còn tại ĐHĐCĐ 2021 ngày 12.3 vừa qua, BIDV tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỉ đồng lên 48.524 tỉ (tức tăng 20,6%) theo hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Theo nhận định từ nhiều bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán thì câu chuyện tăng vốn sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021. Nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn cho ngân hàng như các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Tuy nhiên theo phân tích của CTCK SSI, với triển vọng khả quan của ngành ngân hàng trong 2021 và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn trong năm 2020, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực sẽ là những nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển của các ngân hàng trong năm 2021.

Về câu chuyện cổ tức thì năm 2021, các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua một giai đoạn thăng hoa và vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền, kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng được các nhà đầu tư rất quan tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn