MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Ngân hàng Nhà nước hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nào?

Minh Ánh LDO | 09/08/2023 13:35

Dự trữ bắt buộc, hay tỉ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỉ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.

Mới đây, xuất hiện các thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, thực tế việc hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc chỉ áp dụng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Theo quy định tại Thông tư 14/2018, một số tổ chức tín dụng có tỉ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn cao thì được hỗ trợ qua công cụ dự trữ bắt buộc".

Căn cứ theo Thông tư 14 hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank sẽ áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) giai đoạn 2 theo hướng dẫn, từ tháng 8.2023 đến hết tháng 1.2024.

Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 0,5%.

Trước đó, tỉ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng tại Agribank đối với tiền gửi bằng VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%. Tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%.

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngoài ra, dự trữ bắt buộc là một công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn