MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà. Ảnh: HOÀNG THẮNG

Ngân hàng Nhà nước nên chuyển sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng

TRÀ MY LDO | 13/05/2023 19:47

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - cho rằng: “Chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

Dưới góc độ tổ chức quốc tế, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gợi ý các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng, đặc biệt trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Bàn về chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023-2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính.

Với bối cảnh hiện tại, chuyên gia IMF cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỉ giá. Đồng thời, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lí các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện trong bối cảnh đảm bảo được các thị trường tài chính lớn, việc bảo vệ hệ thống tài chính vẫn là ưu tiên của Việt Nam.

“Chính sách tài khoá nên linh hoạt và có mục tiêu. Việt Nam cũng cần có sự quyết tâm để cải cách cơ cấu, đạt năng suất, tăng trưởng bao trùm và bền vững. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc tăng cường quy định về phá sản, mất khả năng thanh toán” - bà Nga nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận: “Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường thì với Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ, nhưng có độ mở rất lớn và nội tại còn nhiều khó khăn thách thức thì công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỉ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lí hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn”. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn”.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Với chính sách tài khoá, TS Cấn Văn Lực nhận định đây tiếp tục là chính sách chủ lực nên cần thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, cần tiếp tục chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí theo Nghị định 12/2023, đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng, phối hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

“Dư địa của chính sách tài khoá vẫn còn” - ông Lực nhấn mạnh.  


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn