MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ. Ảnh TL

Ngân hàng Nhà nước nói về "siết" trần room ngoại 30% công ty Fintech

Lan Hương LDO | 22/08/2019 12:00

Hiện nay 90% thị phần đều nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn. Các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%. Điều này đặt ra mối quan ngại liên quan đến chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia.

Chưa có tỷ lệ room ngoại chính thức

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước nhận định:

"Hết quý I/2019, toàn thị trường hiện có 27 công ty trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép nhưng có tới 90% thị phần (cả số lượng lẫn giá trị giao dịch) đều nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn. Các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%.

Điều này cũng đặt ra nhiều mối quan ngại liên quan đến an toàn thông tin và cũng đủ lớn để ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia”.

Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước
Giải thích thêm, ông Sơn cho biết, Ngân hàng Nhà nước xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán thông qua sở hữu do nắm giữ trực tiếp và cả sở hữu gián tiếp.

"Cơ quan quản lý đã tính tới trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam, nên tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ bao gồm cả phần nắm giữ gián tiếp tại các Fintech thanh toán", Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán nói.

Liên quan đến đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán - tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt - ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, tỷ lệ room nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán hiện đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến và chưa đưa ra tỷ lệ nào chính thức.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để đưa ra tỷ lệ room ngoại phù hợp với lĩnh vực này. Nhiều khả năng sẽ áp dụng 30% hay 49%", lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết.

Đồng thời khi đưa ra tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng chú ý tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.

Dùng tiền ảo như phương tiện thanh toán bị cấm ở Việt Nam

Cũng tại tọa đàm, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc quản lý tiền ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử, tài sản ảo, đại diện Vụ Thanh toán cho biết:

Theo các quy định hiện hành, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về việc quản lý đối với tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng bộ, thống nhất về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trên cơ sở góp ý của các bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.

Đồng thời, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tải sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn