MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia lo ngại tăng trưởng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay siết các điều kiện để ngân hàng cho vay. Ảnh: Hương Nguyễn

Ngân hàng Nhà nước siết điều kiện cho vay, tăng trưởng tín dụng sẽ yếu

Lan Hương LDO | 03/07/2023 15:51

Nóng nhất trên thị trường tài chính tuần qua là việc Ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN siết một loạt điều kiện cho vay. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất yếu từ đầu năm đến nay, một số chuyên gia lo ngại việc các quy định siết mạnh cho vay càng khiến cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó hơn.

Thông tư 06 cấm cho vay đảo nợ, gửi tiết kiệm, mua vàng...

Thông tư mới cấm ngân hàng cho vay khách hàng với mục đích đảo nợ, yêu cầu kiểm soát cho vay bất động sản và chứng khoán, siết cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để kiểm soát rủi ro đến các khoản vay phục vụ đời sống liên quan đến bất động sản. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng cho vay khách hàng với mục đích mua vàng miếng, gửi tiết kiệm…

Bình luận về Thông tư 06 mới ban hành, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của FIDT - cho rằng: “Thông tư 06 sửa đổi và bổ sung một số quy định để hạn chế và kiểm soát một số hoạt động cho vay rủi ro. Trong ngắn hạn, điều này có thể tác động nhẹ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ làm chất lượng tài sản các ngân hàng được đảm bảo hơn. Bên cạnh đó Thông tư 06 cũng tạo ra hiệu ứng tích cực hơn khi loại bỏ một số quy định trọng yếu khi so sánh với dự thảo sửa đổi thông tư 39 như điều khoản đặt cọc. Dự thảo cũng đã tạo ra môi trường cạnh tranh hơn giữa các ngân hàng, các ngân hàng có chi phí vốn thấp và lãi suất cho vay thấp sẽ được hưởng lợi”.

So với dự thảo sửa đổi thông tư 39/2016/TT-NHNN thì Thông tư 06 có điểm tích cực hơn khi đã không đưa các quy định điều khoản đặt cọc và hoàn tiền tiền vay. Đây là thông tin tích cực cho ngân hàng cũng như ngành bất động sản.

Nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tăng trưởng tín dụng

Theo Thông tư mới, ngân hàng không được cho vay với các mục đích như vay để gửi tiền; Vay để thanh toán tiền mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc giao dịch tại Upcom; Vay để thanh toán tiền vốn góp theo hợp đồng đầu tư, góp vốn…; Vay để bù đắp tài chính…

Điều này, theo đánh giá của giới phân tích sẽ giúp giảm rủi ro tín dụng cho hệ thống ngân hàng tuy nhiên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng.

Thêm vào đó các điều kiện về khoản vay phục vụ đời sống bị siết chặt hơn. Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, điều kiện mới này được áp dụng đồng nghĩa với việc các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống cũng sẽ phải tuân thủ quy trình và hồ sơ chặt chẽ hơn khi phải bổ sung phương án sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ, điều kiện hồ sơ, thủ tục… điều này nhằm kiểm soát rủi ro đến các khoản vay phục vụ đời sống liên quan đến bất động sản.

Đáng chú ý là Thông tư mới bổ sung điểm g, khoản 2 điều 22 với nội dung kiểm soát cho vay để trả nợ khoản vay tại các tổ chức tín dụng, trả nợ khoản vay nước ngoài nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…

Theo chuyên gia phân tích của FIDT, đây là giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lí hoạt động đảo nợ, kiểm soát cho vay bất động sản và chứng khoán.

“Điều này sẽ làm các ngân hàng có thể e dè và thận trọng hơn khi thực hiện các hoạt động này” - ông Huỳnh Hoàng Phương nhận định.

Điểm mới nữa trong Thông tư là việc Ngân hàng Nhà nước quy định nguyên tắc cho vay bằng phương tiện điện tử và nhận biết, xác minh thông tin khách hàng bằng phương thức điện tử. Các chuyên gia đánh giá đây là thông tin tích cực khi Ngân hàng Nhà nước tạo ra hành lang pháp lí rõ ràng cho việc nhận biết, xác minh khách hàng, cho vay bằng phương tiện điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn