MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập và điều hành CTCP FIDT. Ảnh: Đức Mạnh

Ngân hàng nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế

Trà My LDO | 25/08/2023 09:17

Thông tin ngưng thi hành một số quy định trong Thông tư 06 đang là tâm điểm chú ý của thị trường tài chính hiện nay. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 7, động thái mới từ Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là thông tin tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Hoãn thi hành Thông tư 06 giúp doanh nghiệp bất động sản “dễ thở” hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập CTCP FIDT - nhận định: “Tôi cho rằng, việc ban hành thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm hoãn thi hành khoản 8, 9, 10 của Điều 8 theo Thông tư 06 là kịp thời nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Việc hoãn thi hành các khoản trên sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa điều này còn góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khi các nhu cầu vay vốn để góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh là rất lớn. Đối với ngành ngân hàng điều này sẽ phần nào tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tuy nhiên các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro hiệu quả”.

Tín dụng vẫn tăng trưởng “ì ạch”

Sau khi phục hồi tích cực trong tháng 6, tín dụng bất ngờ sụt giảm trong tháng 7. Tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%. TS Cấn Văn Lực chỉ ra hai nguyên nhân gây nên khó khăn đối với doanh nghiệp.

“Về nguyên nhân khách quan, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát, lãi suất dần hạ nhiệt nhưng đang ở mức cao… khiến nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm; trong khi đó, ở trong nước, với một nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu còn thấp cùng với những khó khăn, bất cập nội tại… đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyên nhân chủ quan đến từ môi trường kinh doanh nội tại và bản thân doanh nghiệp. Nền tảng vĩ mô của chúng ta đang khá tốt, nhưng sức chịu đựng với các cú sốc bên ngoài còn yếu, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào khối FDI, công nghiệp phụ trợ yếu khiến DN phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu; lãi suất cho vay mặc dù đã giảm nhưng còn ở mức cao…” - TS Cấn Văn Lực cho biết.

Vậy làm thế nào để nền kinh tế hấp thụ được vốn? TS Cấn Văn Lực chỉ ra 4 nhóm giải pháp cho các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.

Một là, doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch thông tin theo đúng kế hoạch, hồ sơ phát hành trái phiếu hoặc vay vốn; giải quyết đúng các cam kết trả nợ, chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với TPDN đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024; xây dựng lộ trình niêm yết, áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN phù hợp.

Hai là, đa dạng hóa nguồn vốn (tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng, tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỉ giá, lừa đảo trong xuất nhập khẩu.

Ba là, doanh nghiệp cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động DN; đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao và đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và trong thời gian tới.

Bốn là, đối với các tổ chức tài chính, chủ động thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn