MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp và ngân hàng trao đổi thẳng thắng nhằm đi đến điểm chung tại cà phê kết nối doanh nghiệp (ảnh Nhật Hồ)

Ngân hàng nói vốn dồi dào, nhưng doanh nghiệp lại không dễ tiếp cận

NHẬT HỒ LDO | 25/10/2020 17:02
Đó là nội dung trao đổi thẳng thắng tại cuộc cà phê kết nối doanh nghiệp lần thứ 2 được Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức tại Cà Mau. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau thông tin nguồn vốn rất dồi dào, tuy nhiên về phía doanh nghiệp họ cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ tiếp cận.

Tại buổi càphê kết nối doanh nghiệp được tổ chức tại Cà Mau vào sáng thứ bảy ngày 24.10, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau thông tin, tính đến nay, các chi nhánh ngân hàng – tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ hơn 2.200 khách hàng bao gồm cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp… đang được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn với tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.

Xung quanh nguồn vốn tín dụng, đại diện các ngân hàng cho rằng nguồn vốn vay hiện nay rất dồi dào. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp hoặc người dân tiếp cận vốn cần có nhiều yếu tố đi kèm.

Các doanh nghệp chế biến thủy sản Cà Mau hầu hết thiếu nguyên liệu, nhưng người nuôi thiếu vốn nên khó cung cấp lượng tôm cho DN (ảnh Nhật Hồ)

Đại diện Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Minh Tâm (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ, thời gian qua HTX đã thành công bước đầu trong việc xây dựng thành công thương hiệu gạo sạch Toàn Tâm với giống lúa ST24 Cà Mau, hiện sản phẩm phát triển rất mạnh ở thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhu cầu nguồn vốn vay của HTX là rất lớn; nguồn vốn hoạt động hiện nay chủ yếu là vay, tài sản cố định gần như không có.

Ông Nguyễn Lê Thái, Giám đốc Trường Đào tạo quản lý DN tỉnh cho biết: “Hiện nay, nhu cầu vốn của các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ là rất lớn, nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay”.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thông tin, hiện Công ty đã xây dựng phần mềm tư vấn, thiết kế đầm ao nuôi tôm, theo dõi ao nuôi 24/24 giờ; ngân hàng có thể theo dõi toàn bộ ao nuôi và quá trình nuôi, từ đó có niềm tin để cho vay. “Để có thêm niềm tin, thì cần có cả công ty bảo hiểm, đây là cơ sở quan trọng để các hộ dân được vay vốn nhiều hơn”, ông Quang đề xuất.

Liên quan vấn đề này, ông Ngô Thanh Sơn, Giám đốc Ngân hàng HD Bank Cà Mau, đồng thuận: “Từ hiệu quả ban đầu của chuỗi tôm sạch mà Công ty Minh Phú đã triển khai, cũng như ý tưởng của Công ty về phần mềm hỗ trợ hữu ích này, phía Ngân hàng HD Bank Cà Mau rất mong muốn tham gia vào chuỗi tôm sạch để hỗ trợ người dân được tiếp cận nguồn vốn vay”.

Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản AB, ông Lê Văn Nghiêm kiến nghị các ngân hàng nên thiết kế lại gói vay thế chấp hàng hóa, khi hàng hóa của DN được quản lý bởi ngân hàng từ các kho do ngân hàng thuê; ngân hàng có thể dựa vào tổng giá trị hàng hóa đó để giải ngân vốn, tạo vốn lưu động để DN tái đầu tư sản xuất.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau Trương Đăng Khoa đánh giá, các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, cá thể, hộ gia đình, trong quá trình sản xuất kinh doanh rất cần vốn; ngân hàng là đơn vị kinh doanh, cũng rất cần cho vay vốn, nhưng phải có cơ sở và niềm tin thì mới giải ngân vốn được. Tới đây, khi sản xuất được triển khai theo hình thức chuỗi giá trị với sự thay đổi từ khâu đầu vào, cách tiếp cận vốn… tin chắc rằng, các bên sẽ đáp ứng được nhu cầu của mình, chuỗi giá trị sản xuất sẽ thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn