MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảng giới thiệu sản phẩm mới của Ngân hàng SCB được nhân viên SCB tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngân hàng SCB giữa 2 vụ ồn ào trái phiếu và bảo hiểm

Anh Tú - Ngọc Ánh LDO | 09/05/2023 06:18

Những ngày vừa qua, hàng trăm người dân đã gửi hồ sơ, đơn thư đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tố cáo nhân viên Ngân hàng SCB có dấu hiệu hô biến tiền gửi tiết kiệm của khách hàng sang sản phẩm trái phiếu của doanh nghiệp và gói đầu tư bảo hiểm của Manulife.

Sập bẫy gói sản phẩm “Tiết kiệm linh hoạt 31 ngày”

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, trong số những người làm đơn tố cáo, đa phần là người già, cán bộ hưu trí và những người bị bệnh nặng. Toàn bộ gia sản và tiền bạc dành dụm được để chăm lo cho tuổi già giờ đây đang “mắc kẹt”, không rõ ngày nào có thể lấy lại được.

Theo phản ánh của người dân, vào thời điểm nhiều khách hàng đến tất toán sổ tiết kiệm tại Ngân hàng SCB, nhân viên ngân hàng đã giới thiệu về một sản phẩm mới của SCB có tên “Tiết kiệm linh hoạt 31 ngày”. Đây là sản phẩm được nhân viên tư vấn cho rằng, tương tự như chứng chỉ tiền gửi nhưng lãi suất cao hơn  (9%/năm), tiện lợi hơn, sau 31 ngày khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào và vẫn được nhận lãi.

Đến tháng 10.2022, sau khi vụ việc vỡ lở, nhiều người đến Ngân hàng SCB để yêu cầu rút tiền. Tuy nhiên đa phần mọi người không thể rút tiền về. 

Theo lời của người dân, nhân viên tư vấn của ngân hàng đã viện nhiều lý do cho việc không rút tiền được lúc này vì “hệ thống sập mạng”, “Chủ tịch của TVSI (CTCP Chứng khoán Tân Việt) vừa mới qua đời nên không có người kí duyệt”... Lúc này, nhiều người hoang mang không hiểu tại sao tiền gửi tại Ngân hàng SCB lại liên quan đến một công ty chứng khoán khác.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng tố nhân viên Ngân hàng SCB giấu đi những trang hợp đồng quan trọng trong lúc kí. 

“Gói tiết kiệm” Tâm An Đầu Tư do SCB kết hợp cùng Manulife

Nhân viên Ngân hàng SCB còn bị tố thực hiện “hô biến” tiền gửi của khách hàng sang sản phẩm với tên gọi Tâm an đầu tư - một gói bảo hiểm của Công ty bảo hiểm Manulife.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, đa phần mọi người đều được tư vấn bằng một công thức chung. Cụ thể, khi đến làm thủ tục đáo hạn tiền tiết kiệm, nhân viên ngân hàng đã tư vấn khách hàng tham gia gói tiết kiệm Tâm an đầu tư do SCB kết hợp cùng Manulife, được tặng kèm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ - trang bìa có logo Ngân hàng SCB và logo Công ty bảo hiểm Manulife. Lãi suất là 12%/năm, tương tự như gửi tiết kiệm linh hoạt, lĩnh vào cuối kì và thời gian tham gia là 5 năm.

Đặc biệt, nhân viên ngân hàng còn cam kết với khách hàng rằng gói tiết kiệm này sẽ “sinh lợi nhuận cao” và khẳng định đóng tiền không phải như đóng bảo hiểm. 

Ngoài ra, theo lời của nhiều khách hàng, phần chữ kí trong các trang hợp đồng cũng bị nhân viên ngân hàng kí “khống” rất nhiều.

* Trao đổi với Lao Động về những bằng chứng, chứng cứ nào được cung cấp bởi khách hàng thì mang tính hợp lệ để giải quyết khiếu nại, đại diện phòng truyền thông của Manulife cho biết: “Kết quả giải quyết khiếu nại sẽ được xác định dựa trên đánh giá của chúng tôi bao gồm các yếu tố như tính đầy đủ, hợp pháp của bộ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm, kết quả phỏng vấn, đối chất với các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng liên quan, các thông tin do khách hàng cung cấp trong đơn khiếu nại và trong quá trình trao đổi trực tiếp, cùng các bằng chứng hoặc các yếu tố có liên quan cần được cân nhắc”. Tính đến nay, chúng tôi đã gặp gỡ được khoảng 20 khách hàng nhằm thảo luận các giải pháp cho khách hàng và bước đầu đạt được các kết quả khả quan. Mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành các cuộc đối thoại cho các khách hàng SCB trước ngày 30.6.2023.

Bộ Công an vào cuộc vụ tiền tiết kiệm SCB biến thành bảo hiểm Manulife

Mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) khẩn trương xác minh vụ việc này.

Theo đó, C03 được giao làm việc với các tập thể, cá nhân liên quan, đánh giá và phân loại xử lý đơn tố cáo của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Người phát ngôn Bộ Công an, đến nay, C03 đã tiếp nhận 133 đơn của 128 cá nhân và 5 tập thể liên quan vụ việc này. Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn