MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp gặp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, vay vốn nhưng không biết dùng vào việc gì. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngân hàng sốt ruột tìm doanh nghiệp tốt để cho vay

Tuyến Lan LDO | 31/07/2023 08:50

Nhu cầu vay quá thấp khiến tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm không mấy khả quan. Nghịch lý xảy ra khi tiền thừa trong két, ngân hàng "đỏ mắt" tìm khách hàng tốt, có khả năng trả nợ để cho vay nhưng không dễ. Về phía doanh nghiệp, khó khăn chồng chất khi thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.

"Vay vốn xong, doanh nghiệp không biết làm gì"

"Khi đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp vay vốn về cũng không biết sử dụng vào việc gì. Cầu sản xuất, tiêu dùng giảm thì đương nhiên cầu tín dụng sẽ giảm", PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới, điều này khiến cầu tín dụng khó khăn hơn.

"Ngân hàng hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tốt, có khả năng trả nợ, xác định được đúng dòng tiền để mở rộng tín dụng. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân với lãi suất nhất định, cộng với chi phí nhất định để cho vay, vì vậy giảm lãi suất cũng phải có thời gian, lộ trình", PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nhận định.

Có đến 80% doanh nghiệp lên tiếng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được địa phương triển khai hiệu quả. Đặc biệt là chưa giải quyết được thực tiễn nảy sinh. Nếu không tháo gỡ nút thắt về cơ chế, pháp lý thì sẽ rất khó để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Động lực lớn nhất là đầu tư công

Chính sách tiền tệ đã được sử dụng liên tục nhưng chính sách tài khoá vẫn còn có độ trễ. Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam - cho rằng, động lực lớn nhất của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay là đầu tư công quy mô lớn. Từ đó, nhu cầu của nền kinh tế cao, doanh nghiệp mới có nhu cầu tín dụng. Một yếu tố khác là cần chú trọng vào thị trường tiêu dùng, tức là làm sao tạo ra hoạt động kinh tế thực thay vì có hoạt động đầu cơ sẽ có thể tăng nguồn cung tín dụng.

Ở góc độ tín dụng cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Hùng nhìn nhận, ngân hàng chú trọng thanh khoản của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt nhưng khó khăn thanh khoản, nhưng cũng có doanh nghiệp khó khăn thanh khoản thể hiện là doanh nghiệp yếu kém. Do đó, ngân hàng cần xác định lý do doanh nghiệp gặp khó để điều chỉnh chuẩn mực cho vay hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho rằng, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu là do yếu tố khách quan. Để tăng khả năng hấp thụ vốn, giảm lãi suất chỉ là một phần, không thể giải quyết được tất cả. Vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ là tiếp cận vốn. Ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng nghiên cứu khó khăn, vướng mắc để tìm ra giải pháp hợp tác hỗ trợ nhau. Khi tháo gỡ được khoảng cách người cho vay và người đi vay sẽ luôn gần nhau.

Về phía doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ quản lý, năng lực tài chính… Khi sức khoẻ, trình độ của doanh nghiệp được nâng tầm thì ngành ngân hàng có thể hỗ trợ cho vay nhiều hơn.

"Chính sách tài khoá cần phải có quy định rõ ràng, mạch lạc. Vấn đề hậu kiểm vẫn đang là một thách thức lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động hậu kiểm vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Các doanh nghiệp rất ngại tiếp cận chính sách có liên quan đến ngân sách nhà nước. Do vậy, để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi, thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán" - ông Nguyễn Văn Thân nhận định.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn