MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mùa cuối năm. Ảnh: L.T

Ngân hàng tăng kích cầu tín dụng cuối năm

G. Miêu LDO | 12/12/2021 16:03
Để đáp ứng cầu vốn tăng trong dịp kinh doanh cao điểm cuối năm, các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn ưu đãi ra thị trường để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng

Thông tin về tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, có 11 ngân hàng trên địa bàn tham gia gói tín dụng này, tổng số tiền đăng ký cho vay là hơn 312.000 tỉ đồng trong năm 2021 và tính đến hết tháng 9 đã giải ngân được 242.602 tỉ đồng cho 21.761 khách hàng. Với khoảng 70.000 tỉ đồng tiếp tục được giải ngân trong thời gian tới, đây là điều kiện tích cực để kích tăng trưởng dư nợ trong quý 4/2021 và tháng đầu năm 2022.

Theo tìm hiểu thì hiện nay các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh triển khai nhiều gói vay ưu đãi. Đơn cử như Sacombank cho biết tiếp tục triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 20.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do COVID-19 và tăng tốc phục hồi sản xuất - kinh doanh. Trong đó, một nửa giá trị gói vay được dành cho khách hàng doanh nghiệp, lãi suất từ 4,5%/năm với kỳ hạn vay đến 3 tháng và 5,5%/năm với kỳ hạn vay đến 6 tháng; một nửa còn lại dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay từ 6,5%/năm. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Nam Á Bank, ACB,… cũng đang có những gói vay hơn 10.000 tỉ với lãi suất ưu đãi từ 5-6,5% cho các doanh nghiệp.

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính thì mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh trong thời gian qua. Đáng chú ý là, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15.7.2021 đến 31.10.2021 của 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đạt 15.559 tỷ đồng, bằng 75,48% so với cam kết. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng, dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh.

Theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương, thì trước áp lực lạm phát, lãi tiết kiệm giảm, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng đang sụt giảm. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất để huy động vốn. Các ngân hàng gần như đã thực hiện mọi giải pháp có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khó tiếp tục giảm lãi suất. 

Theo báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới công bố của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), việc nới room tín dụng giúp ngân hàng có thêm dư địa tăng tín dụng trong mùa cao điểm, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Tín dụng Vietcombank sau 3 quý tăng trưởng 11,5%, TPBank tăng 15%...BSC kỳ vọng, việc mở cửa trở lại trên toàn quốc từ đầu quý 4/2021 sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, kéo theo nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn