MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng đều tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Ảnh: L. Toàn

Ngân hàng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu

Gia Miêu LDO | 22/05/2021 16:29

Dù Thông tư 03 cho phép ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến hết năm nay, song không vì thế mà gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu vơi đi.

Trong báo cáo đánh giá về nhóm ngân hàng của Công ty chứng khoán BOS thống kê, nợ xấu của các ngân hàng tăng nhẹ so với cuối năm 2020. Tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết đạt 91.244 tỉ đồng vào ngày 31.3.2021, tăng 3.948 tỉ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%. Trong tổng số các ngân hàng đang niêm yết thì có 17 ngân hàng đều có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05 đến 0,1%. Đáng chú ý là ngân hàng ACB, Vietcombank và HDBank có mức tăng lần lượt là 0,32, 0,26 và 0,19%. VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 3,5% và tăng 0,05 điểm phần trăm so với cuối năm trước.

Với việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021, sửa đổi Thông tư 01, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch trong thời gian dài hơn. Lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm. Việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ chất lượng dự nợ cho vay. Nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng. Tuy nhiên, có thể thấy việc nhiều ngân hàng vẫn chủ động trích lập, tăng bộ đệm rủi ro bằng cách nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh, ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu đột biến.

Theo thống kê, đến cuối quý 1/2021, phần dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của các ngân hàng tăng 12% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ tổng nợ xấu với 25 ngân hàng tăng từ 103% lên 110%. Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 200%. Trong đó, ngân hàng Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống với 279%. Con số này chỉ thấp hơn mức 368% của cuối năm 2020 và bỏ xa giai đoạn trước chỉ 100-180%. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ là đơn vị đầu tiên hoàn thành trích lập nợ tái cơ cấu mà không cần tới 3 năm như Thông tư 03.

Techcombank cũng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 219%, cao nhất lịch sử, một phần nhờ nợ xấu giảm trong quý I. Trong 6 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này liên tục đi lên, từ mức 62,6% của năm 2015% lên mức 94,7% vào năm 2019 và lần đầu đạt 171% vào cuối năm 2020.

VietinBank đứng thứ ba trong danh sách với tỷ lệ bao phủ nợ xấu kỷ lục 155,4%, tăng 5 năm liên tiếp. TPBank duy trì tỷ lệ này ở 134%, trong khi MB và ACB giảm nhẹ so với cuối năm trước lần lượt là 127,4% và 120% so với mức 134% và 160% vào cuối năm 2020. Ngoài ra, BIDV và Sacombank cũng là hai ngân hàng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục lần lượt ở 108% và 107%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư 03 giúp các ngân hàng lên lộ trình 3 năm trích dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu, tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng dồn vào năm 2021. Song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Một hướng đi khác có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu được gợi mở, đó là cần sớm đưa vào vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Được biết, tại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch mua bán nợ giai đoạn 2021 - 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn